PVN luôn khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt, trụ cột về kinh tế, an ninh năng lượng

Thứ năm, 18/10/2018 15:02
(ĐCSVN) – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí nói riêng trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 17/10/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Tham gia cùng đoàn công tác còn có các đồng chí: Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương về việc tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (Cương lĩnh 1991), trọng tâm là tổng kết việc thực hiện Cương lĩnh sửa đổi bổ sung 2011, đây cũng là thời điểm giữa kỳ của nhiệm kỳ Đại hội XII, Hội đồng Lý luận Trung ương tìm hiểu thực tiễn của PVN, trụ cột quan trọng, có đóng góp và vai trò rất lớn trong nền kinh tế, cũng là thời điểm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tinh thần mới.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong gần 45 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành dầu khí Việt Nam, PVN đã trở thành đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Hàng năm, PVN đều nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương; Đóng góp cho GDP cả nước trung bình là 10-13%/ năm. PVN cũng có tổng tài sản đến 30/06/2018 là: 805 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn chủ hữu là 446 nghìn tỷ đồng. Góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước, tạo nguồn ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; Tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. PVN cũng là lực lượng chủ lực cùng Chính phủ và xã hội thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.

Với Chiến lược phát triển dựa trên mối liên kết hữu cơ gồm 3 lĩnh vực Thăm dò Khai thác Dầu khí – Công nghiệp Khí - Chế biến Dầu khí (lĩnh vực điện thực hiện theo lộ trình cổ phần hóa và xã hội hóa lĩnh vực Dịch vụ Dầu khí), PVN đang phấn đấu xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, đảm bảo tiếp tục giữ vị thế quan trọng đối với nền kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn chung của công nghiệp Dầu khí toàn cầu và khó khăn riêng của ngành Dầu khí Việt Nam; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được xác định là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn Tập đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nước; xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng Tập đoàn, các đoàn thể quần chúng và đội ngũ công nhân vững mạnh; phát huy truyền thống ngành Dầu khí, thực hiện “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam”, “Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược biển Việt Nam” và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước; giữ vững vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng uỷ Tập đoàn đã thường xuyên cụ thể hoá các quy định, chủ trương lãnh đạo của Trung ương, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương bằng việc ban hành các nghị quyết (chỉ thị, kết luận), chương trình công tác và thực hiện chỉ đạo thông qua tổ chức đảng và bằng chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên là lãnh đạo các cấp trong Tập đoàn.

Mô hình tổ chức đảng toàn Tập đoàn cùng với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở ban hành kèm theo Quy định 69-QĐ/TW ngày 13/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là nền tảng, thuận lợi lớn cho việc lãnh đạo triển khai đồng bộ, gắn kết trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ và xây dựng Đảng xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trong năm 2018, Tập đoàn đã từng bước nỗ lực vượt qua bối cảnh khó khăn, tập thể lãnh đạo đoàn kết, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và người lao động; không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm trọng tâm công tác năm 2018 trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài cơ cấu, công tác xây dựng đảng và công tác cán bộ; các khó khăn vướng mắc từng bước được tháo gỡ.

Hình ảnh tại buổi làm việc.

Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo chủ trương Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015; nhiều khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đã được Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan tập trung tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời trong thẩm quyền để Tập đoàn tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ những khó khăn của Tập đoàn và của ngành đang gặp phải như: đề xuất sửa đổi pháp luật về dầu khí hiện hành để đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí; hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nhất là tại những vùng nước sâu, xa bờ. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Thuế,…; xem xét xây dựng cơ chế đặc thù với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; Đề nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị định về Quy chế tài chính Công ty mẹ - PVN…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn thách thức.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, PVN luôn khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt, trụ cột về kinh tế, an ninh năng lượng, về chủ quyền biển đảo; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về PVN, tổng kết thực tiễn, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có giải pháp tháo gỡ những khó khăn của Tập đoàn hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Tập đoàn quán triệt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Quyết định 69 của Ban Bí thư, Chiến lược về phát triển kinh tế biển bền vững trong đó có dầu khí và năng lượng; tiếp tục đề cao trách nhiệm, phát triển truyền thống người lao động Dầu khí, năng động và chủ động trong những nhiệm vụ và Chiến lược đã đề ra; đảm bảo vị thế của ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển, chủ quyền quốc gia./.

Tin, ảnh: Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực