Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

Thứ sáu, 07/06/2019 23:13
(ĐCSVN) - Vì sao “tham nhũng vặt” lại đang phổ biến và dần trở thành chuyện bình thường, hiển nhiên trong xã hội như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền không trôi. Bôi trơn mà”. Phải chăng trong mỗi con người đã tồn tại một tâm lý chấp nhận, dễ dàng cho qua để được việc?

Bài 2: Xói mòn lòng tin của nhân dân

"Tham nhũng vặt" làm tha hóa biến chất cán bộ công chức. (Ảnh minh họa: thoibaokinhdoanh.vn)

Những minh chứng rất đáng… suy nghĩ

Trong khi vấn đề tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng và công cuộc PCTN vẫn luôn “đốt nóng” từ “nghị trường” Quốc hội đến “bàn nước” nhân dân thì các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm lại đưa ra những dẫn chứng rất đáng… suy nghĩ.

Cụ thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từng “giật mình” bởi những vụ việc tham nhũng bị phát hiện quá ư… khiêm tốn. Ông đã phải thốt lên: Thực ra, chuyện phát hiện tiêu cực, tham nhũng qua cơ quan PCTN ở các địa phương lâu nay nhiều nơi “khiêm tốn”, không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nói gì thì nói, một thành phố trung tâm kinh tế với gần chục triệu dân, đội ngũ thanh, kiểm tra hùng hậu, tình hình tham nhũng cả nước đang đánh giá là khá trầm trọng mà kết quả vẫn ở tình trạng “ba không” (không có ai bị xử lý tham nhũng; chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo và chưa xử lý trường hợp người đứng đầu nào) với “hai một” (phát hiện xử lý tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ một trường hợp và thanh tra cũng phát hiện một trường hợp có dấu hiệu tham nhũng chuyển qua cơ quan điều tra) thì quả là vô lý, rất đáng “giật mình” phải không các bạn?.

Tương tự, đối với một thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã nhiều lần nói rằng, kết quả bước đầu chống “tham nhũng vặt” chưa thể làm các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội yên tâm. Do đó, nhiều lần ông đã yêu cầu: “Lãnh đạo các phường, xã, thị trấn phải thường xuyên tự kiểm điểm xem có còn tình trạng người dân muốn làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không? Nếu còn, phải xử lý thật nghiêm”.

Mới đây, khi đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm việc tại Yên Bái, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhận định, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Công tác PCTN ở một số địa phương, cơ sở chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế…

Trước đó, tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác PCTN, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói: “Thực sự, cán bộ lãnh đạo ít tiếp xúc trực tiếp các thủ tục nhưng mà ở nhà thì gia đình, vợ con đi làm các thủ tục cũng nghe kêu đầy. Phải chi phí ngoài luồng, đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh”. Phó Thủ tướng cho rằng, chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh. “Cái này không phải nhỏ, gây bức xúc cho dân” - Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.

Nhìn vào những phát biểu này, người dân cảm nhận có cái gì đó không bình thường, dường như vừa “bất lực”, vừa thiếu nghiêm minh và chưa nghiêm túc. Điều này đã phần nào giải thích vì sao công tác phòng chống “tham nhũng vặt” chưa chuyển biến tích cực được và chưa tạo được niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN...

Kết quả này hoàn toàn tương đồng với Báo cáo về công tác PCTN năm 2018 của Chính phủ gửi đến Quốc hội. Cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho biết, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Tất cả những điều này đã được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp để báo cáo trước các kỳ họp Quốc hội gần đây. Các báo cáo đã nêu lên nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, trong đó nhấn mạnh việc cử tri và nhân dân còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm; nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính...

Quá mù ắt hẳn… ra mưa

Mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như “một cửa, một dấu”, “một cửa liên thông”, “tất cả vì sự hài lòng của người dân”... nhưng trong thực tế người dân muốn nhanh, gọn, sớm thì đều phải chi tiền “lót tay”, tiền “bôi trơn”, tiền bồi dưỡng.

Đã có rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” của người dân khi đến "cửa quan" được báo chí phản ánh. Cụ thể, công luận đã vô cùng bức xúc khi một số công chức cấp xã, phường hẹn lên hẹn xuống việc cấp giấy chứng tử cho gia đình có người vừa mất. Đó là trường hợp của một người dân ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã đi lại đến 6 lần mới được cấp giấy chứng tử cho người bố đã mất. Chính vì sự tắc trách này của người thực thi công vụ đã làm cho tang lễ người thân của họ đã bị lùi lại, không thực hiện được như dự kiến.

Tương tự giống sự việc xảy ra ở Hà Nội, vào ngày 31/3 vừa qua, người nhà của nạn nhân một vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại Thừa Thiên Huế đã "tố" đến các cơ quan chức năng, báo chí về việc họ bị cán bộ UBND phường Trường An (thành phố Huế) gây khó dễ, từ chối cấp giấy chứng tử cho người đã chết trước đó hơn nửa tháng, dù bảo đảm giấy tờ thủ tục hợp lệ theo quy định để chứng minh người này đã chết.

Hai trường hợp kể trên mặc dù các cán bộ thực thi đều bị kỷ luật nhưng để lại ấn tượng rất xấu trong lòng người dân về cách hành xử, về thái độ vô cảm. Và đằng sau sự vô cảm có lẽ còn một lý do khác nữa, đó là thói quen nhũng nhiễu, gây khó khăn để trục lợi của một bộ phận không nhỏ những người thực thi công vụ. Đau xót hơn là thái độ vô cảm không chỉ diễn ra giữa những người thực thi pháp luật, chính sách của Nhà nước với người dân mà còn diễn ra trong chính nội bộ đội ngũ cán bộ,công chức.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là do suy nghĩ lệch lạc của nhiều người dân cũng như đội ngũ “đầy tớ của dân” trong các cơ quan công quyền. Người “xin” thì có tâm lý muốn làm cho nhanh, muốn được việc mình và tìm mọi cách để đạt được mục đích, trong đó có việc biếu xén, “lót tay” cho người thực thi công vụ.

Mô hình bộ phận “một cửa” với cách làm minh bạch, thông thoáng
là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn “tham nhũng vặt”. (Ảnh: TH)

Cùng với đó là tâm lý ngại va chạm của nhiều người. Khi thấy có việc bất bình ở cơ quan công quyền, thì thường coi đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt hoặc ảnh hưởng ít đến bản thân, nên tặc lưỡi cho qua. Hoặc nếu có bức xúc, thì cũng ít khi có đủ dũng khí để lên tiếng hoặc đấu tranh, bởi “chuyện nhỏ chắc gì đã ai giải quyết. Mà chờ được vạ thì má cũng sưng”.

Còn nếu một ai đó dám lên tiếng, dám đấu tranh với nạn “tham nhũng vặt” thì lại bị số đông coi là khác thường, dị biệt, vì chuyện nhỏ, chuyện vặt không nên “xăm soi” làm gì.

Còn với nhiều người được giao nhiệm vụ “đầy tớ của dân”, đã quá quen với tâm lý của người “xin” và dần dần chấp nhận chuyện phong bì, biếu xét, cắt lại… là một việc bình thường, lâu lâu trở thành nghĩa vụ của người đi “xin”. Ai muốn nhanh, không phải xếp hàng thì chuyện lo lót, phong bì là đương nhiên.

Nhấn mạnh đến những hệ lụy mà “tham nhũng vặt” gây ra đối với xã hội, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an chỉ rõ, tuy không gây nhiều thiệt hại cho nạn nhân (người dân và doanh nghiệp), nhưng nhiều hậu quả do “tham nhũng vặt” để lại không nhìn thấy được bằng mắt thường. Đó là nó làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự liêm chính của cơ quan nhà nước. Khi lòng tin đã bị suy giảm thì chúng ta rất khó trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; rất khó trong việc huy động sức dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. “Tham nhũng vặt” còn làm băng hoại đạo đức xã hội; sự sách nhiễu, phiền hà làm những giá trị truyền thống của dân tộc bị mất đi…Nếu không ngăn chặn kịp thời thì đến một lúc nào đó "quá mù ắt hẳn… ra mưa…".

Và chính vì vậy, ngăn chặn nạn “tham nhũng vặt” cũng chính là xóa bỏ thói quen hành xử xấu cho xã hội mà mọi người vẫn rỉ tai nhau: “Vặt ư? Chẳng phải vặt đâu/ Bao nhiêu năm tháng làm sầu lòng dân/ Dẹp" tham nhũng vặt " rất cần/ Nếu để nó lớn muôn phần hiểm nguy/Mau mau dẹp sạch nó đi.”…/.

Ban Nội chính Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 142-KH/BNCTW thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn” đối với các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Theo đó, kế hoạch đã đưa ra mục tiêu, trong thời gian phát động thi đua (2019-2020), mỗi ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phấn đấu phát hiện và tham mưu xử lý có kết quả ít nhất 2 vụ án tham nhũng và 3 hành vi “tham nhũng vặt”. Trong đó, đến thời điểm sơ kết (cuối năm 2019) mỗi đơn vị phát hiện và tham mưu xử lý ít nhất 1 vụ án tham nhũng và 1 hành vi “tham nhũng vặt”. 
Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực