“Thực tiễn và hội nhập trong phát triển công tác xã hội ở Việt Nam”

Thứ hai, 10/11/2014 20:03

(ĐCSVN)Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế do Trung ương Đoàn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội. Đây là hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 17.
 

 

Hội thảo “Thực tiễn và hội nhập trong phát triển công tác xã hội ở Việt Nam”
Ảnh: Minh Châu
 


Nhu cầu cần trợ giúp từ các dịch vụ công tác xã hội rất lớn

Theo thông tin do Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hồi cung cấp tại Hội thảo, hiện có gần 9 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 9,6% hộ nghèo và hàng trăm nghìn đối tượng nhiễm HIV, ma túy, mại dâm… cần trợ giúp từ các dịch vụ công tác xã hội.

Để trợ giúp cho các đối tượng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, đồng thời hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm… Theo đánh giá, các chính sách ngày càng mang tính hội nhập quốc tế, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa. Hệ thống tổ chức bộ máy và nhân viên công tác xã hội cũng ngày càng được mở rộng.

Tuy vậy, trên thực tế, người dân và các đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng dễ bị tổn thương vẫn chưa được trợ giúp một cách toàn diện. Hiện vẫn chưa có sự phối hợp liên ngành trong trợ giúp cho từng trường hợp cụ thể. Nhiều trường hợp chưa được phát hiện, can thiệp sớm để trợ giúp, chăm sóc, phục hồi cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ công tác xã hội

Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắc là Đề án 32) thực hiện  tính đến nay đã bước sang năm thứ 4. Thực hiện Đề án này, tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên toàn quốc đã được nâng lên 432 cơ sở với tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội là 35 nghìn người.

Nhiều mô hình Trung tâm công tác xã hội như ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh đã phát huy tính hiệu quả, cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn lượt đối tượng. Chẳng hạn như đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp, người cao tuổi, người khuyết tật, tâm thần, người nghèo, trẻ em, nạn nhân bị phân biệt đối xử về giới…

Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Đến nay, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ mới hình thành ở ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Giáo dục, Y tế với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công tác xã hội còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ còn hạn chế…

 

Cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP. Đà Nẵng thăm, tặng quà,
tư vấn, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng yếu thế cần giúp đỡ (Ảnh: Trần Quỳnh)


Diễn ra trong thời gian 1 ngày bao gồm 2 phiên toàn thể và các Hội thảo chuyên đề về: Xây dựng và phát triển dịch vụ công tác xã hội cho thanh thiếu nhi; Đào tạo công tác xã hội theo hướng thực hành và Khung pháp lý về nghề công tác xã hội ở Việt Nam với sự tham gia của các ngành chức năng, các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội trong nước và quốc tế, Hội thảo “Thực tiễn và hội nhập trong phát triển công tác xã hội ở Việt Nam” đã đưa ra những giải pháp, khuyến nghị để tăng cường tính chuyên nghiệp của nghề công tác xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất phát triển nghề công tác xã hội.

Đồng thời, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ và theo nhóm đối tượng. Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ, đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực