Tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp

Thứ ba, 21/08/2018 16:55
(ĐCSVN) - Theo báo cáo nhanh ngày 21/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Một trường học ở Nghệ An bị ngập nặng do lũ (Nguồn: baonghean.vn)

Cụ thể, có 11 người chết (Sơn La: 02 người do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa: 01 người do sạt lở đất đá, 01 người do lũ cuốn trôi; Nghệ An: 05 người do lũ cuốn trôi, Cà Mau: 02 người do lốc xoáy). 04 người bị mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La: 02 người, Thanh Hóa: 01 người, Nghệ An: 01 người).

Về nhà cửa: 40 nhà bị sập, 6.467 nhà bị ngập, 763 nhà phải di dời khẩn cấp. Hiện nay tại tỉnh Nghệ An vẫn còn 964 nhà thuộc 05 huyện bị ngập, các địa phương khác cơ bản đã hết ngập. Về chăn nuôi, thủy sản: 360 con gia súc và 31.996 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 1.744 ha thủy sản bị thiệt hại.

Về giao thông: Tuyến Quốc lộ 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An hiện vẫn bị ngập gây ách tắc giao thông. Ngoài ra còn một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ. Chính quyền địa phương đang tiếp tục huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.

Về một số thiệt hại khác, tại tỉnh An Giang: Theo báo cáo nhanh số 110/BC-PCTT ngày 20/8/2018 của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, ngày 18/8/2018 trên địa bàn huyện Tri Tôn đã xảy mưa dông kèm lốc xoáy làm sập 02 căn, tốc mái 08 căn nhà. Ước giá trị thiệt hại khoảng 125 triệu đồng. Tại tỉnh Cà Mau: Theo báo cáo nhanh số 70 và 71/BC-VP ngày 20/8/2018 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, trong các ngày 17, 18 và 20/8 trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh đã xảy ra 16 vụ lốc xoáy làm chết 02 người (Nguyễn Thị Út, sinh 1959 và Nguyễn Mỹ Niêm, sinh 2013 ở huyện Cái Nước), sập 47 căn nhà và tốc mái 162 căn nhà. Ước giá trị thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Về tình hình lũ trên các sông ở Nghệ An: Lũ trên các sông ở Nghệ An đang xuống, riêng hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn đang dao động ở mức đỉnh. Mực nước lúc 7h ngày 21/8, trên sông Cả tại Dừa 21,55m, dưới báo động 2 là 0.95m; tại Nam Đàn 6,39m, dưới báo động 2 là 0,51m. Dự báo: Lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục xuống, hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn xuống chậm. Ngày 21/8, mực nước trên sông Cả tại Dừa xuống mức 22,0m, dưới báo động 2 là 0,5m; tại Nam Đàn xuống mức 6,25m, dưới báo động 2 là 0,65m.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến và chuyển thông tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ, đôn đốc, nắm bắt tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả tại các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 4; tổ chức canh gác ở các ngầm tràn, đoạn đường bị ngập nước, sơ tán dân ở vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, tập trung khắc phục hậu quả.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TW ngày 15/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; các công điện của các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ, hỗ trợ người dân thu dọn nhà cửa, vệ sinh môi trường,… nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Tiếp tục tìm kiếm người mất tích tại Sơn La, Thanh Hóa; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Bố trí nơi ở, hỗ trợ đảm bảo sinh hoạt cho các hộ dân bị mất nhà cửa. Kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn hiện còn bị ngập./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực