Sơn Dương (Tuyên Quang): Tập trung “xóa” lò gạch thủ công

Thứ hai, 22/04/2019 10:49
(ĐCSVN) - Thời gian qua, với những biện pháp quyết liệt, huyện Sơn Dương đã và đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương “xóa” lò gạch thủ công, thủ công cải tiến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương trong huyện…

Thực hiện Quyết định số 398/QĐ-UBND ngày 21/10/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành kế hoạch, lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, UBND huyện Sơn Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hợp lý.

Theo thống kê, năm 2014, toàn huyện Sơn Dương có tổng số 80 lò sản xuất gạch đất sét nung. Số lò gạch này tập trung chủ yếu tại địa bàn một số xã như: Hồng Lạc, Ninh Lai, Quyết Thắng, Thượng Ấm, Tuân Lộ, Tú Thịnh, Cấp Tiến, Phú Lương, Lâm Xuyên… Trong đó, có 78 lò thủ công, thủ công cải tiến và 02 lò đứng.

Trên cơ sở bám sát đặc điểm tình hình địa phương, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ lò gạch tự giác tháo dỡ theo chủ trương của Nhà nước. Đối với các lò đã dừng sản xuất, huyện Sơn Dương tổ chức cho chủ các lò gạch ký cam kết, xác định rõ thời điểm tháo dỡ. Với những lò còn sản xuất, cùng với việc tuyên truyền, vận động, UBND huyện cũng có những biện pháp hành chính mang tính cứng rắn như: yêu cầu Điện lực Sơn Dương ngừng cung cấp điện; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, kiên quyết không để người dân mua, bán đất mặt ruộng cấy lúa và các loại đất trồng trọt khác vào làm gạch nung…

Nhiều lò gạch trên địa bàn huyện Sơn Dương tuy đã dừng
hoạt động từ lâu nhưng chưa được tháo dỡ (Ảnh: QĐ)

Nhờ đó, đến nay số lượng lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn huyện Sơn Dương đã giảm mạnh so với trước đây. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, đã có 57 lò gạch được xóa bỏ. Riêng trong năm 2018, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Sơn Dương đã xóa được 25 lò. Tính đến đầu tháng 4/2019, trên địa bàn huyện còn tồn tại 23 lò gạch thủ công, thủ công cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí); trong số này có 14 lò đã dừng hoạt động nhưng chưa thực hiện tháo dỡ và 09 lò còn hoạt động nhưng không thường xuyên. Theo tính toán chung, các lò gạch nói trên đã và đang tạo việc làm cho khoảng gần 300 lao động địa phương. Đây vốn là những người không có việc làm, nguồn thu nhập chính của họ là từ tham gia sản xuất gạch.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Dương, tuy đã đạt được những kết quả nhất định song việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn huyện cũng đang gặp một số khó khăn. Phần lớn những lò gạch này đều tồn tại từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều lò đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động địa phương; một số lò không hoạt động nhưng người dân chưa tiến hành tháo dỡ, vẫn giữ nguyên hiện trạng, một số lò còn hoạt động nhưng không thường xuyên nên việc vận động, tuyên truyền người dân tháo dỡ thường rất khó khăn. Mặt khác, do thói quen của người dân nên nhu cầu sử dụng gạch đất sét nung là khá lớn.

Chị Lý Thị Phương, một lao động sản xuất gạch tại địa bàn xã Quyết Thắng cho biết: “Chúng tôi biết là sản xuất gạch thủ công là ảnh hưởng đến môi trường, nhưng nói thật là nếu không làm thuê ở lò gạch thì chúng tôi không biết làm gì để có thêm thu nhập. Bây giờ Nhà nước xóa bỏ lò gạch thủ công thì cũng nên có biện pháp tạo việc làm cho những người lao động như chúng tôi”.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Sơn Dương đối với việc “xóa”
lò gạch thủ công, thủ công cải tiến (Ảnh: QĐ)

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBDN huyện Sơn Dương cho biết: “Quan điểm của huyện là kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến đúng theo chủ trương của UBND tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, để việc xóa bỏ lò gạch đạt được hiệu quả, huyện cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang xem xét hỗ trợ các hộ gia đình chủ lò; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho gần 300 lao động tại các lò gạch; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp đặt dây chuyền thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn để sản xuất gạch, phục vụ nhu cầu của người dân”.

Được biết, thời gian qua, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp để “xóa” lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, UBND huyện Sơn Dương đã quan tâm tạo điều kiện phát triển các nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 1 nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Tuấn Hưng ở xã Tú Thịnh với công suất 1,5 triệu viên/năm. Mới đây nhất, UBND huyện Sơn Dương cũng đã đồng ý triển khai dự án xây dựng lò gạch tuynel tại xã Chi Thiết với quy mô 9,2 triệu viên/năm. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, dự án này sẽ đi vào sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Tuyên Quang, để nhanh chóng “xóa” bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, thời gian tới UBND huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các lò gạch đang hoạt động và những lò không hoạt động nhưng chưa tiến hành tháo dỡ xong trong quý II năm 2019; quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, kiên quyết không để người dân mua, bán đất mặt ruộng cấy lúa và các loại đất trồng trọt khác vào làm gạch nung. Huyện cũng xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng đối với các lò gạch không thực hiện tự tháo dỡ..../.

Bài, ảnh: Quang Đạo - Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực