Sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội

Thứ sáu, 08/11/2019 16:28
(ĐCSVN) – Muốn di dời các cơ sở gây ô nhiễm đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh và sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan... Bài học từ vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định yêu cầu cấp bách.

Công bố nguyên nhân vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Hoàn thành việc tiêu tẩy hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông

Quang cảnh hội nghị phản biện. (Ảnh:TA)

Sáng 8/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo nghị quyết của HĐND TP về phê duyệt danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường  hoặc không phù hợp quy hoạch  ra khỏi khu vực 12 quận nội thành.

Thực hiện Quyết định số 64/ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị.

Từ tháng 9/2017, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND 12 quận rà soát kỹ từng cơ sở sản xuất phải di dời theo 3 nhóm: Nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ; nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn TP còn chậm do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…

Thực hiện Chỉ đạo của UBND TP về việc rà soát, Sở TN&MT đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại các quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở; bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay, danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở, trình UBND TP xem xét để trình HĐND TP thống nhất thông qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm
ra khỏi khu vực 12 quận nội thành là cần thiết. (Ảnh: TA)

Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề nóng, cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội nói chung và của TP nói riêng. Vấn đề này cần phải sớm triển khai thực hiện, vì trong những năm qua, nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động; quỹ đất không sử dụng hết họ cho thuê kinh doanh; thậm chí còn xây nhà trọ… nhưng bằng cách nào đó các cơ sở phải di dời vẫn tìm cách để xin ở lại.

Các ý kiến nhấn mạnh muốn di dời các cơ sở gây ô nhiễm đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh và sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, để việc xử lý di dời một cách đồng bộ, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, đề nghị UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho di dời cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch của các bộ, ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn 12 quận thuộc TP. Việc này cùng làm đồng thời với các cơ sở thuộc TP quản lý.

Bên cạnh đó, TP sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch nhiều hơn nữa, thỏa đáng hơn… Bài học từ vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy cần phân loại danh mục gây ô nhiễm môi trường để xác định yêu cầu cấp bách…

* Trước đó, chiều 7/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024”.

Theo dự thảo Nghị quyết, giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội được áp dụng trong giai đoạn 2020-2024 có mức tăng bình quân 15% so với quy định hiện hành đối với các loại đất: đất nông nghiệp; đất ở địa bàn nông thôn; đất thương mại dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tại nông thôn; đất thương mại tại đô thị; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tại đô thị.

Việc điều chỉnh giá đất nhằm góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời bảo đảm nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường và sự cân đối giá đất giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn TP.

Tại hội nghị, 13 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý, thành viên Hội đồng Tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đều đánh giá cao sự cần thiết ban hành giá đất mới theo quy định của pháp luật; mức giá, khung giá được thống nhất; việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường. Việc chuẩn bị xây dựng giá đất cũng được nghiên cứu cụ thể, điều tra xã hội học đến đông đảo người dân và cán bộ địa phương.

Một số đại biểu đề xuất, TP cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của nhiều TP lớn trong cả nước. Việc điều chỉnh giá đất của TP giai đoạn 2020-2024, nhất là tại khu vực nông nghiệp ở một số nơi vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế, cần được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi…

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực