Quy hoạch hệ thống giao thông kết nối các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Thứ tư, 16/10/2019 19:29
(ĐCSVN) – Đó là định hướng của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW tại Bộ Giao thông vận tải, ngày 16/10.

Bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau

Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT); vận tải và an toàn giao thông (ATGT).

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Hiền Hòa)

Về công tác quy hoạch, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để tạo điều kiện phát huy lợi thế của vùng trung du miền núi phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ GTVT đã lập, điều chỉnh quy hoạch GTVT 5 chuyên ngành (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa, hàng không) đảm bảo phù họp với các chiến lược điều chỉnh.

Đến nay, các chiến lược, quy hoạch chuyên ngành GTVT để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết 37/NQ-TW đã được Bộ GTVT triển khai thực hiện hoàn thành, làm cơ sở từng bước thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Hệ thống quy hoạch GTVT trong vùng đã bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành phố trong vùng; coi trọng sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Các quy hoạch đã dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ, có các giải pháp triển khai thực hiện, phương thức huy động vốn.

Về kết cấu hạ tầng GTVT, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các địa phương trong điều kiện cân đối, bố trí vốn trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 31.884 tỷ đồng (tương đương 7% tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của ngành giao thông), các mục tiêu về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đặt ra trong Nghị quyết đến nay đã hoàn thành.

Về vận tải và ATGT, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ vận tải có những tiến bộ đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đã hình thành các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng không) và bước đầu triển khai vận tải đa phương thức, quy hoạch xây dựng các cảng cạn.

Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương để tiếp tục thực thi pháp luật về ATGT như Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn; Nghị định số 11/2009/NĐ- CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các đề án tăng cường đảm bảo trật tự ATGT quốc gia cho các chuyên ngành giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không.

Bộ GTVT đã phối hợp các địa phương để thực hiện công tác cưỡng chế đảm bảo hành lang ATGT, công tác đăng kiểm phương tiện đã được kiểm soát tương đối tốt. Đã thực hiện chính sách hạn chế phương tiện cá nhân thông qua chính sách thuế. Các công trình đảm bảo ATGT đã được quan tâm đầu tư hoàn thành như Dự án tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam (vốn vay JICA), Dự án ATGT đường bộ Việt Nam - giai đoạn 1 vốn vay WB.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị.
(Ảnh: Hiền Hòa)

Cần xác định rõ việc đầu tư cho giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh quá trình tổng kết tại trung ương và các địa phương trong vùng đều đánh giá chung Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước nói chung cũng như của vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng, trong đó có những đóng góp hết sức to lớn của ngành Giao thông vận tải và chính quyền địa phương các cấp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, đối với vùng trung du miền núi Bắc Bộ kết nối các tỉnh với vùng khác đường quốc gia liên quan đến kết nối cấp độ 2 là giao thông nông thôn các tỉnh này, quá trình đô thị hóa chưa nhiều nên giao thông nông thôn quan trọng, cấp độ 3 đây là tỉnh có đường biên giới dài, đường tuần tra biên giới góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng mặt khác phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian vừa qua, với sự tham mưu tích cực, Bộ GTVT làm được nhiều việc, kết nối được giao thông tốt, kể cả đường sắt, đường bộ, đường quốc lộ, trước đây nhu cầu lớn nhưng nguồn lực có hạn, đất nước ta chuyển sang giai đoạn mới, cải thiện được sự gắn kết được cải thiện tốt hơn.

Gợi mở một số phương hướng giải quyết vấn đề giao thông của vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần có quy hoạch theo trục dọc để kết nối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu quy hoạch theo trục ngang để kết nối các tỉnh trong vùng với nhau đồng thời kết nối vùng ra hướng biển với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ. Là vùng biên giới, nằm trên cửa ngõ ra biển và kết nối các nước ASEAN với các tỉnh phía nam Trung Quốc, cần nghiên cứu để khai thác được các tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cần nghiên cứu kết nối trục Đông - Tây với Lào để tạo hành lang giao thông từ nước bạn ra hướng biển.

Với những đặc thù của vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị thời gian tới cần xác định ưu tiên phát triển các loại hình giao thông vận tải theo thứ tự là: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Nghiên cứu giải pháp nâng cấp sân bay Điện Biên nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là cái nôi của dân tộc, cái nôi của cách mạng, là vùng phên dậu của đất nước, là nơi đảm bảo hệ sinh thái của toàn bộ miền Bắc, do đó, cần xác định rõ việc đầu tư cho giao thông và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương về việc cần có nghị quyết mới cho phù hợp với giai đoạn mới, tầm nhìn mới của vùng và đất nước trong thời gian tới./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực