Nhà máy nước mặt sông Đuống có ý nghĩa lớn đối với việc bảo vệ hệ thống nước ngầm

Thứ năm, 14/03/2019 22:13
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm; trong khi sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm. Việc đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống dân sinh và bảo vệ hệ thống nước ngầm thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham quan dây chuyền sản xuất
nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh:TA)

Sáng 14/3, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống ở huyện Gia Lâm.

Mở đầu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã kiểm tra thực địa kênh thu, trạm bơm nước thô, nhà điện, máy phát dự phòng, hồ lắng, trạm bơm dâng, khu xử lý nước, bể lắng, bể lọc, phòng điều khiển, khu nhà ở cán bộ, công nhân viên...

Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính thức khởi công từ ngày 9/3/2017. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.

Nhà máy nước mặt sông Đuống khai thác nguồn nước thô từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng ổn định; bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển, nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050 và trong tương lai. Dự án áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới; tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường. Chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi...

Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm; đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm so với dự kiến năm 2020. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 900.000 m3/ngày đêm và có khả năng mở rộng công suất lên tới 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Dự án hiện đã vận hành và bảo đảm cấp nước ổn định giai đoạn 1 với công suất 150.000 m3/ngày đêm từ tháng 10/2018. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất tăng lên đạt 300.000 m3/ngày đêm hiện đang được gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục và phát nước thương mại chính thức trước Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2019. Khi hoàn thành, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục cung cấp nước sạch bổ sung cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố gồm: quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179; khu vực phía Nam thành phố gồm quận Hoàng Mai, các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên... từng bước thay thế nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm, gây nguy cơ sụt lún nền…

Ông Đỗ Văn Định cũng nêu 4 kiến nghị, đề xuất đối với lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong đó có việc mở rộng các diện tích xung quanh để tiến tới xây dựng nhà máy đạt công suất 1,2 triệu m3/ngày đêm; có giải pháp giữ vệ sinh môi trường nước mặt sông Đuống...

Sau khi nghe lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban, ngành và huyện Gia Lâm trao đổi, thảo luận, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương các cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị tư vấn, thi công, người lao động và bà con hai xã Trung Màu và Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã bàn giao nguồn đất sạch để dự án có thể triển khai nhanh, vượt tiến độ, đáp ứng được nhu cầu mong mỏi về nước sạch của thành phố và nhiều người dân Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TA)

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu m3/ngày đêm; trong khi sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm. Việc đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống dân sinh và bảo vệ hệ thống nước ngầm thành phố. Hà Nội sẽ giảm dần và tiến tới dừng việc sử dụng nước ngầm vì gây ra tình trạng sụt lún, ô nhiễm và đang cạn kiệt dần.

“Cùng với việc bảo đảm nguồn nước tốt, cần phải tính toán đến chất lượng nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng mỗi nóc nhà lại thêm 2-3 bể chứa nước. Do đó, UBND Thành phố cần phê duyệt quy hoạch mạng lưới nước sạch làm cơ sở. Việc này cần làm nhanh”- Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, khi triển khai xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch, cần sắp xếp theo thứ tự thì hệ thống cấp nước mới đảm bảo và đóng cửa dần các giếng ngầm. Bên cạnh đó, cần xem xét kết nối hệ thống quan trắc về nước sạch để cung cấp thông tin kịp thời tới người dân như việc Hà Nội triển khai các trạm quan trắc không khí. Đồng thời cần kiểm soát việc xả thải dọc hai bên sông Đuống, tránh tình trạng ô nhiễm như sông Nhuệ, sông Đáy…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực