Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT

Thứ tư, 13/12/2017 21:22
(ĐCSVN) - Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội ( BHXH) Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT”.

Tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT”. Ảnh: ĐT

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đề cập tới chính sách pháp luật nước ta luôn đổi mới trong vòng 31 năm qua, trong đó nổi bật là chính sách BHXH, BHYT. Khi xã hội ngày càng phát triển, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là sức khỏe, nhất là đối với học sinh, sinh viên khi có sức khỏe tốt thì mới có thể học tập tốt, học tập tốt mới có thể làm việc tốt.

Qua những câu chuyện của thực tiễn cuộc sống, thầy Hiệu trưởng nhắn nhủ sinh viên không bao giờ được chủ quan với sức khỏe, bởi ốm đau, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai dù là người đang ở tuổi thanh niên khỏe mạnh. Chính vì vậy tham gia BHYT là sự bảo đảm tốt nhất cho bản thân, gia đình và chia sẻ với cộng đồng xã hội.

Trong bài phát biểu của mình, TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: BHXH, BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là chính sách thể hiện rõ bản chất xã hội và nhân văn. Bản chất xã hội được thể hiện ở chỗ được xây dựng để mọi người dân đều có thể cùng tham gia; nhân văn thể hiện ở chỗ chính sách được xây dựng để bảo vệ con người trước những nguy cơ từ rủi ro do ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, già cả; và quan trọng hơn là tính nhân văn được thể hiện ở chỗ tất cả mọi người tham gia cùng chia sẻ, theo nguyên lý lấy số đông bù cho số ít - điều này được thể hiện rõ nhất ở chính sách BHYT.

“Các bạn sinh viên ở đây lại được đào tạo trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chắc chắn hơn ai hết các bạn hiểu rõ từ Xã hội và Nhân văn. Chính sách BHXH, BHYT của Nhà nước ta được xây dựng để bảo đảm bảo vệ con người trong suốt cả cuộc đời. Khi mới sinh ra được cấp thẻ BHYT miễn phí; học sinh, sinh viên được hỗ trợ tham gia BHYT; khi trưởng thành, người lao động tham gia BHXH, được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp và được hưởng lương hưu khi về già” - ông Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết 31/10/2017, số người tham gia: BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người, BH thất nghiệp là 11,4 triệu người, BHXH tự nguyện là 220 nghìn người. Đặc biệt số người tham gia BHYT là 79,73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số.

TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: ĐT

Nhấn mạnh sinh viên là những trí thức, là chủ nhân tương lai gần của đất nước, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, là một công dân, dù có làm việc ở lĩnh vực nào đi chăng nữa thì tinh thần thượng tôn pháp luật là điều tất yếu, bắt buộc phải làm và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Và tham gia BHXH, BHYT là điều đã được Luật hóa, quy định trong Luật BHXH và Luật BHYT.

Cụ thể, trong Luật BHYT quy định, học sinh, sinh viên thuộc diện bắt buộc phải tham gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng HSSV chưa tham gia BHYT, tính đến ngày 31/12/2016,  tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 92,5%, vẫn còn khoảng 7,5% HSSV chưa tham gia; tập trung chủ yếu vào sinh viên từ năm thứ 2 trở đi. Chính vì vậy, thông qua các nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm này, ông Phạm Lương Sơn hy vọng các bạn sinh viên sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện luật, trước mắt là Luật BHYT và sau này là Luật BHXH. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một chính sách nhân văn, qua đó xây dựng một đất nước công bằng, văn minh.

Tại buổi Tọa đàm, các khách mời và sinh viên tham dự đã được nghe các báo cáo viên của BHXH Việt Nam giới thiệu một số điểm mới, nổi bật của Luật BHYT, đặc biệt là BHYT học sinh, sinh viên và Luật BHXH (sửa đổi, bổ sung). Đồng thời, nghe các phát biểu chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- người đã được thụ hưởng chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT trong việc điều trị ung thư của bản thân; nghe TSKH Đoàn Hương, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu về Văn hóa Việt Nam trong hoạt động chia sẻ tương thân tương ái của cộng đồng, trách nhiệm, phương pháp truyền thông về vấn đề này thông qua mảng đề tài về BHXH, BHYT.

Cũng tại buổi Tọa đàm, nhiều câu hỏi, thắc mắc của sinh viên liên quan tới chính sách BHXH, BHYT đã được các báo cáo viên của BHXH Việt Nam giải đáp tận tình, chi tiết và thảo luận sôi nổi.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực