Ký sự vùng khó Quỳnh Nhai

Thứ năm, 11/01/2018 16:49
(ĐCSVN) - Huyện Quỳnh Nhai nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La, với tổng diện tích toàn huyện là 105.090 ha, gồm 7 dân tộc anh em: Dao, Thái, Kháng, La Ha, Mông, Mường và dân tộc Kinh. Với mặt bằng dân trí thấp, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, thu nhập từ trồng lúa, ngô là chính, nhiều năm trước, Quỳnh Nhai là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai.

Huyện Quỳnh Nhai có tất cả 11 xã, là các xã: Chiềng Khoang, Cà Nàng, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Mường Giôn, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Khay, Mường Chiên, Nậm Ét, Mường Sại, hầu hết là những xã khó khăn, trong đó các xã: Nậm Ét, Mường Giôn... được coi là những xã khó khăn nhất. Để bắt đầu thực hiện phóng sự vùng đất khó, chúng tôi chọn xã Nậm Ét làm điểm đến đầu tiên.

Đường giao thông liên xã của Nậm Ét đã xuống cấp, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Con đường từ trung tâm xã Nậm Ét đến bản Bó Ún khá dài và luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, với một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, còn giữa đường đầy rẫy những ổ gà, ổ voi. Sau gần một tiếng “trải nghiệm” trên con đường này, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến trung tâm xã Nậm Ét.

Chúng tôi được Phó Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Đôi mời về thăm nhà và dùng bữa cơm tối. Căn nhà sàn của ông khá rộng rãi và mang đậm kiến trúc đặc trưng của người Thái. Với người Thái, nhà sàn không chỉ là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên mà còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, qua các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc Thái.

Mâm cơm thịnh soạn được bày biện đẹp mắt với những món ăn được chế biến công phu, độc đáo của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Có lẽ đây là bữa cơm đặc biệt nhất của chúng tôi sau khi vượt qua chặng đường dài hơn 500 cây số từ Hà Nội lên đến miền sơn cước này, bởi tiếp đón chúng tôi có đầy đủ lãnh đạo cũng như cán bộ chuyên trách của xã.

Trong bữa cơm với không khí thân mật, gần gũi, Phó Bí thư Lò Văn Đôi chia sẻ: Xã Nậm Ét  được thành lập từ năm 1958, là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em là: Thái, Laha, H’Mông. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 80% dân số. Mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán, lối sống và cách thức canh tác khác nhau. Nậm Ét vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu và cũng là một địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Đặc thù của Nậm Ét là địa hình cao, bị chia cắt, xói mòn nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thu nhập của bà con thấp, bình quân hiện nay chỉ mới đạt 12 triệu/người/năm...

Qua câu chuyện, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo xã cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất của xã hiện nay là hầu hết các tuyến đường giao thông của xã đều đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng của xã cũng rất thiếu thốn, nhất là trường học. Hiện cả 5 điểm trường mầm non tại các bản Cà, Bản Ún, Bản Pống, bản Nong và bản Muông của xã đều chưa có lớp học, đồ dùng học tập thiếu thốn, chưa có nhà công vụ nên những giáo viên ở xa phải ngủ nhờ nhà dân...

Câu chuyện về Nậm Ét sinh động qua từng chia sẻ của từng người giúp tôi hiểu thêm về vùng đất nơi Tây Bắc. Câu chuyện chỉ bớt trầm lắng khi chủ đề chuyển sang nói về những nét văn hóa độc đáo, về những lễ hội của Nậm Ét. Bữa cơm kết thúc khi ánh trăng non đã gần đến đỉnh đầu. Tôi về trung tâm UBND xã nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình. Đêm ở nơi miền sơn cước thật tĩnh lặng, chỉ điểm xuyết tiếng chảy róc rách của dòng suối đâu đó. Ngoài ô cửa sổ sừng sững những dãy núi trùng điệp khoác trên mình rừng đại ngàn và những lớp sương mỏng huyền thoại... ru tôi dần chìm vào một giấc ngủ với cảm giác thật thư thái, yên bình,,,

Để dòng suối Nậm Ét cất lên bản nhạc vui

Ngày mới ở Nậm Ét thật rộn ràng bởi tiếng chim hót líu lo với ánh nắng vàng xuyên qua những tán lá. Mùa thu đã vẽ lên bầu trời Nậm Ét một màu xanh trong vắt với những áng mây trắng lừng lờ trôi... Những dãy núi đại ngàn sừng sững đêm qua đã thay một tấm áo xanh tươi hơn. Có lẽ Nậm Ét cũng giống như bức tranh thiên nhiên kia, đã có những sự chuyển biến nội tại mà chỉ có những ai gắn bó với mảnh đất này với nhận ra được.

Từ năm 2015, Nậm Ét đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gắn với xóa nghèo bền vững. Từ một xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 60% năm 2012 đến nay chỉ còn hơn 24%. Người dân đã tích cực chuyển đổi có cấu cây trồng và vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Là một xã vùng lòng hồ, những năm gần đây, thông qua các dự án, Chương trình 30a..., Nậm Ét đã  phối hợp với các ngành của huyện hỗ trợ bà con về giống, vốn, kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cá lồng kết hợp với thủy cầm. Nhiều hộ trong xã đã vươn lên trở nên khá giả.

Các lớp học của xã hiện chỉ là lán tạm.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Thanh, bản Nà Hừa. Đây là một trong những hộ đầu tiên ở xã Nậm Ét nuôi cá lồng. Anh Thanh cho biết: Lúc mới thả, cá có trọng lượng 2-3 con/kg. Sau 6 tháng nuôi, cá có thể đạt 3 kg/con. Với 9 lồng cá, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên trăm triệu đồng/năm. Từ mô hình này, nhiều người dân trong xã Nậm Ét đã tới học cách làm. Năm 2014, toàn xã mới có 6 lồng cá, đến nay đã tăng lên là 169 lồng cá, với 64 hộ nuôi. Nghề nuôi cá lồng ở Nậm Ét mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ kinh tế có sự khởi sắc, Nậm Ét đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bạc Cầm Chương, xã đã tích cực vận động nhân dân góp công, hiến đất làm giao thông nông thôn, xây dựng thuỷ lợi, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay xã đã cơ bản hoàn thành 8 tiêu chí về tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, an ninh trật tự xã hội... và đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Bí thư Đảng ủy xã kiến nghị: “Bà con mong muốn Nhà nước thực hiện  kéo điện lên 2 bản vùng cao, hỗ trợ nâng cấp đường giao thông, xây dựng các điểm trường để thuận tiện cho việc dạy và học tập cho các em học sinh.”

Có thể nói, công cuộc nông thôn mới trên vùng đất nghèo Nậm Ét vẫn còn dài và con xa lắm mới đến đích, nhưng tôi tin rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của lãnh đạo xã và nhân dân, sự cần cù chịu thương chịu khó của bà con nơi đây, và sự đồng hành của các cấp chính quyền, Nậm Ét sẽ thay da đổi thịt từng ngày, và niềm vui sẽ thắp sáng cho đời sống người dân nơi đây trong thời gian không xa./.

Bài, ảnh: Nguyễn Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực