Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách

Thứ hai, 24/06/2019 17:39
(ĐCSVN) - Bản chất một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái là nơi họ có thể tới bất kỳ khi nào với cảm giác an toàn, được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ, dịch vụ.

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành; các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục; các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín về các lĩnh vực xã hội, phụ nữ, bình đẳng giới; cán bộ, chuyên gia, giảng viên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam…

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Hội thảo gồm 4 phiên: Phiên 1: Khai mạc, cơ sở lý luận và thực tiễn của không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Phiên 2: Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng; Phiên 3: Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; Phiên 4: Xây dựng không gian an toàn về chính sách và giải pháp can thiệp.

Với mục tiêu cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em, các tham luận, báo cáo tại hội thảo sử dụng các kết quả nghiên cứu cập nhật, đặt kết nối không gian gia đình với các chính sách, dịch vụ xã hội, các động lực từ khu vực thị trường, cộng đồng, từ đó phân tích những khoảng trống về chính sách, hướng can thiệp, nghiên cứu, kiến nghị giải pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Đây cũng là một trong các hoạt động thực hiện chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN Việt Nam phát động, được tổ chức trong bối cảnh có nhiều vấn đề đáng lưu tâm liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, hội thảo là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và thực hành xã hội cùng trao đổi, xây dựng một bản đồ tích hợp những không gian mà phụ nữ và trẻ em là chủ thể, chỉ ra những khu vực mất an toàn và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề; từ đó, xác định được những nội dung cần quan tâm về xây dựng chính sách, nghiên cứu, can thiệp nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả.


Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo

 Ảnh: Minh Châu

Năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Theo thống kê của UN Women, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.

Đối với trẻ em, năm 2018 có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng gây bức xúc dư luận.

Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên những hoạt động này chưa đủ so với các vụ việc cũng như nguy cơ mất an toàn của phụ nữ, trẻ em xảy ra hiện nay.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu về việc xem xét một cách kỹ lưỡng tất cả các chiều cạnh, không gian về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kết hợp với các đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước hiện nay nhằm đảm bảo không gian an toàn bao trùm, hiệu quả, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em để nhóm dân số này đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển của đất nước.

Báo cáo đề dẫn do PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới nhấn mạnh, khái niệm về không gian an toàn xuất hiện trong phong trào phụ nữ vào cuối thế kỷ XX và có một lịch sử sống động với sự phát triển của các phong trào nữ quyền, đa dạng tính dục, chống phân biệt chủng tộc. Ý tưởng về không gian an toàn xuất hiện từ thực tiễn của phong trào phụ nữ và nhóm thiểu số hoạt động về tình dục trong nửa thế kỷ qua với mục đích tạo ra không gian không có các thái độ và hành vi áp bức.

Bản chất một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái là nơi họ có thể tới bất kỳ khi nào với cảm giác an toàn, được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ, dịch vụ. Những không gian này hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái phục hồi sau bạo lực, hình thành mạng lưới hỗ trợ, tiếp cận an toàn và cơ hội. Đây thường là những không gian tích hợp cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm các nguồn lực, thông tin, mạng lưới xã hội, đến các dịch vụ chăm sóc lâm sàng thiết yếu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho biết, các cam kết quốc tế và khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với nữ lao động di cư chủ yếu gồm: Chương trình nghị sự 2030 với mục tiêu số 5 nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, ngoài ra các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8, 16 đặt vấn đề về việc làm thỏa đáng cho cả nam và nữ, xóa bỏ lao động cưỡng bức, và chấm dứt nạn mua bán người; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Tuyên bố cấp cao về Di cư quốc tế và Phát triển và các cam kết ASEAN.

Đưa ra khuyến nghị, bà Elisa Fernandez cho rằng, Việt Nam cần xem xét phê chuẩn các cam kết quốc tế liên quan, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Bảo vệ Quyền của tất cả lao động di cư và các thành viên của họ (1990) và Công ước về Lao động Giúp việc Gia đình (2011); xây dựng, thực hiện chính sách kế hoạch về lao động, di cư, bảo trợ xã hội có trách nhiệm giới bao gồm việc phân bổ ngân sách cho việc giải quyết tình hình bạo lực đối với nữ lao động di cư; đánh giá tác động chính sách, luật pháp giải quyết phân biệt đối xử và bạo lực đối với nữ lao động di cư; phòng ngừa bạo lực đối với nữ LĐ di cư bao gồm quy định liên quan đến trung gian, tuyển dụng, nâng cao năng lực và nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.../.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực