Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Thứ tư, 04/12/2019 17:38
(ĐCSVN) - Công tác chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là sự đầu tư cho tương lai, chính là sự phát triển bền vững. Không ai bị bỏ lại phía sau là khẩu hiệu với tất cả chúng ta, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do gia cảnh.

 

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TG)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong phát biểu khai mạc Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2019 ngày 4/12.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, đại biểu, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đến từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng đại diện của các tổ chức Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế…

Theo Phó Thủ tướng, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đã nỗ lực luật hoá và thực hiện để bảo đảm trên thực tế đầy đủ các quyền của trẻ em đã được Công ước thông qua. Pháp luật và những chính sách của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều dành sự quan tâm và đầu tư tốt nhất cho trẻ em. Các quyền của trẻ em trong Công ước được thực hiện trong thực tế, được quy định.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh để trẻ em có thể phát triển toàn diện, quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ đầy đủ cần sự nỗ lực của không chỉ những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan tới trẻ em; thu hẹp khoảng cách giữa những vùng kém phát triển với khu vực phát triển; trang bị đầy đủ thể chất, kiến thức, tâm lý cho các ông bố, bà mẹ… “Trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi mà phải được sống trong một môi trường hoà bình, trong sạch, đầy tình yêu thương” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ em sống trong khu vực có xung đột, cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành, ¾ số trẻ em bị người thân có những hành vi, hoặc bằng hành động, lời nói, thái độ xâm hại, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của các em... Vì vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ sự cần thiết phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức quốc tế; các tổ chức, chương trình hoạt động nhân đạo; cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của từng người dân, từng gia đình trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Các quốc gia đang phát triển, ở những vùng kém phát triển phải tăng cường phổ biến tri thức tới tất cả mọi người, trực tiếp nhất là các ông bố, bà mẹ và những người sẽ làm cha mẹ về trách nhiệm và những kỹ năng cần thiết để sinh, nuôi dưỡng, để tạo cho con cháu mình có thời cơ phát triển toàn diện.

Cũng theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng hàng đầu đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam là nhận thức. Từ nhận thức biến thành hành động để các cấp chính quyền, không chỉ Chính phủ, Trung ương mà với từng cơ sở nhất là những vùng còn chưa phát triển là không vì sức ép của tăng trưởng kinh tế, của những vấn đề trước mắt mà quên không dành sự quan tâm chỉ đạo và cả nguồn lực, nhân lực cho công tác trẻ em.

Phó Thủ tướng khẳng định, công tác chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là sự đầu tư cho tương lai, chính là sự phát triển bền vững. Không ai bị bỏ lại phía sau là khẩu hiệu với tất cả chúng ta, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do gia cảnh. Không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: TG)

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng  Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh chủ đề chính của Hội nghị đã cho thấy xu hướng tất yếu của hành động phát triển toàn diện trẻ thơ là can thiệp, hỗ trợ toàn diện trên cơ sở hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực. Hội nghị sẽ cùng bàn đến trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ban hành khung pháp lý, chiến lược, chính sách và hợp tác đa phương về phát triển toàn diện trẻ thơ.

Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sẽ là nơi chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em, đặc biệt quyền được phát triển toàn diện của trẻ em ở giai đoạn đầu đời, tập trung cho kinh nghiệm, bài học giải quyết các vấn đề và thực hiện các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong công tác trẻ em.

Bộ trưởng cho rằng Hội Nghị là một bước tiến quan trọng trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, đặc biệt đối với mục tiêu 4.2. Lần đầu tiên, Hội nghị sẽ cùng xây dựng Lời kêu gọi hành động Hà Nội về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực. Bộ trưởng mong muốn Lời kêu gọi hành động từ Hà Nội sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ tại mỗi quốc gia trong khu vực giai đoạn tới. "Những việc làm của chúng ta hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cho trẻ em một sự phát triển toàn diện, một khởi đầu tốt đẹp, một thời thơ ấu an toàn và hạnh phúc không chỉ đảm bảo thực hiện quyền trẻ em mà còn cung cấp cho các em cơ hội phát triển khi các em lớn lên bước vào tương lai đầy tự tin" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Theo chương trình, trong 4 ngày diễn ra Hội nghị, các nhà quản lý, nghị sĩ, chuyên gia xây dựng chính sách, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội cùng nhau thảo luận kiến thức, chia sẻ sáng kiến, bài học, kinh nghiệm đầu tư cho trẻ em. Hội nghị có một buổi làm việc chung đặc biệt giữa các đại biểu đại diện các cơ quan Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các Bộ trưởng để chia sẻ kinh nghiệm về luật pháp và chương trình dành cho trẻ em. Đồng thời thảo luận chuyên sâu về những đe dọa về môi trường đối với trẻ em, những tác động đối với sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, vai trò của các chính sách và sự hợp tác để giải quyết những vấn đề này.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau đưa ra Tuyên bố kêu gọi hành động trong công tác phát triển toàn diện cho trẻ thơ./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực