“Hơi thở” nông thôn mới ở Đông Sơn

Thứ ba, 22/10/2019 16:57
(ĐCSVN) - Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Những mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện luôn hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đông Sơn đang hướng đến mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa.
Chúng tôi có dịp về thăm huyện Đông Sơn - địa phương vừa đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa (9/2019) cũng là thời điểm Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng NTM.
 
Tiếp chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Bình, Chính trị viên Ban CHQS huyện chia sẻ: “Sau 8 năm xây dựng NTM, huyện Đông Sơn đã đạt được những thành tựu to lớn. Có thể nói, nếu không có xã nông thôn mới thì sẽ không có huyện nông thôn mới, nếu không phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân thì không thể xây dựng thành công NTM. Với tinh thần đó, những mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện luôn hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Huyện Đông Sơn đang hướng đến mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu của tỉnh”.


Trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Nhân, thôn Thọ Phật, mang lại hiệu quả kinh tế cao,
góp phần giải quyết tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM ở Đông Sơn.

Minh chứng cho lời nói, anh Bình dẫn chúng tôi đến xã Đông Hoàng. Được biết, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với UBND huyện Đông Sơn tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao các tiêu chí NTM. Huyện đã đưa ra một số sản phẩm dự kiến sẽ phát triển theo chương trình OCOP, như rau an toàn, quả thanh long, gạo nếp cái hoa vàng… và Đông Hoàng với thế mạnh về cây ăn quả dự kiến sẽ đưa cây thanh long phát triển theo hướng này.

Đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Nhân, ở thôn Thọ Phật, chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu của ông và gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nhân cho biết: “Trang trại của tôi rộng 2 héc ta với hơn 2.000 gốc thanh long ruột đỏ, 1.000 gốc cam Vinh và bưởi Diễn… Trong đó, chủ đạo là cây thanh long ruột đỏ. Giống này phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dù đầu tư ban đầu không ít như: trụ bê tông, giống, phân bón… nhưng đổi lại công chăm sóc không nhiều và chỉ sau 1 năm đã cho thu hoạch và sau 3 năm thì cho lãi khoảng 300 triệu đồng/năm”.

Theo ông Nhân thì tham gia chương trình này, mọi người được truyền đạt nhiều kinh nghiệm và thực tiễn phát triển thanh long trên thế giới cũng như Việt Nam, được lĩnh hội các kiến thức, như kinh nghiệm phát triển các sản phẩm gắn với thị trường đầu ra, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tên tuổi cho sản phẩm OCOP…

Được biết, OCOP không phải là chương trình mới và đã được xây dựng thành công ở nhiều địa phương nhưng với Đông Sơn là địa phương sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, manh mún ở quy mô hộ gia đình, chưa phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; dịch vụ, ngành nghề nông thôn chưa đa dạng, quy mô nhỏ… thì OCOP là minh chứng rõ nét cho tư duy mạnh dạn đổi mới, sự năng động trong cách nghĩ, cách làm, không thõa mãn dừng lại, quyết tâm giữ vững tiêu chí NTM ở một địa phương vừa về đích NTM.

Ngoài ra, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, huyện Đông Sơn đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phong trào một cách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, như các chương trình: Hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho các xã được hưởng 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần giúp các xã có nguồn lực, để không quá sức đóng góp của dân hay nợ đầu tư xây dựng. Vừa qua, HĐND huyện tiếp tục quyết nghị về một số cơ chế như: Hỗ trợ xây dựng vườn mẫu; hỗ trợ xây dựng thôn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; hỗ trợ xi măng mở rộng đường, làm rãnh thoát nước, tường rào thoáng; hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2... Đây là động lực giúp cho các xã tiếp tục phấn đấu hướng đến NTM kiểu mẫu.

Chia tay Đông Sơn mà tôi cứ ấn tượng mãi lời ông Lê Hữu Thông ở thôn 4, xã Đông Thịnh: “Từ khi xã đạt chuẩn NTM đến nay, đường làng ngõ xóm đẹp và sạch sẽ lắm. Người dân chúng tôi có thể đi xe máy ra tận ruộng của mình, hơn nữa, mùa gặt nay đã có máy gặt liên hoàn, chỉ một thoáng là xong, không cần nhiều nhân lực như ngày trước nữa... Nói chung, mới chỉ đạt chuẩn mà xã đã thay da đổi thịt thế này thì NTM nâng cao hay kiểu mẫu chắc “đáng sống” lắm đây, phải không chú?”./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực