Đồng hành cùng phụ nữ nghèo vùng biên giới khó khăn

Thứ tư, 18/04/2018 14:57
(ĐCSVN) - Từ kết quả bước đầu của Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Ban tổ chức Chương trình đã trao vốn hỗ trợ 5 gia đình phụ nữ đặc biệt khó khăn thuộc xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, mỗi gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng để nuôi lợn, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngày 17/4, Đoàn công tác của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm trưởng đoàn, Đại sứ Chương trình - diễn viên Nhã Phương, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đến với bà con nghèo xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Diễn viên Nhã Phương - Đại sứ của Chương trình tặng quà cho bà con nghèo. Ảnh: Đàm Nhi

Tại đây, nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biên giới đã được triển khai với sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng. 240 chị em phụ nữ đã được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà, 05 hộ gia đình đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ con giống tại Phong Nặm, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cổng nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức là một chương trình có ý nghĩa nhân văn rất lớn đã thu hút sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước qua cú pháp nhắn tin BC gửi 1409.

Sau 1 tháng triển khai, Chương trình đã vận động được trên 800 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình nhắn tin sẽ sử dụng hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên giới. Hoạt động tại xã Phong Nậm là mở màn cho chuỗi hoạt động trợ giúp các hộ gia đình phụ nữ nghèo vùng biên giới với mong muốn tiếp sức cho chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế, yên tâm bám đất, bám làng, xây dựng phiên dậu vững chắc bảo vệ biên cương thiêng liêng của tổ quốc.

Diễn viên Nhã Phương, Đại sứ chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” lần đầu tiên đến với bà con nghèo vùng biên giới tỉnh Cao Bằng đã rất xúc động khi chứng kiến đời sống còn nhiều khó khăn của bà con. Nói chuyện với bà con, cô hy vọng, những hoạt động thiết thực của chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ con giống sẽ phần nào giúp đỡ bà con giảm bớt những vất vả khó khăn, những lo toan trong kinh tế cải thiện sức khỏe. Đồng thời mong rằng bà con được nhận hỗ trợ con giống sẽ chăm sóc thật tốt để nhân rộng đàn, từng bước thoát nghèo và tiếp tục cùng Chương trình hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn khác.

Mỗi gia đình phụ nữ nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng để nuôi lợn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Đàm Nhi

Xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh là xã vùng biên giới khó khăn, dân trí không đồng đều với 98% đồng bào dân tộc Tày sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Tập quán canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ, độc canh lúa ngô thuần túy, hầu hết tự cung tự cấp, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế còn hạn chế.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Nguồn vốn của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ con giống sẽ được thực hiện theo hình thức luân phiên. Sau khi hộ gia đình thoát nghèo, sẽ hoàn vốn để Chương trình hỗ trợ tiếp các gia đình khó khăn khác, như vậy vốn sẽ được bảo toàn và nhân rộng.

Với gia đình chị Hứa Thị Hoành, 36 tuổi, hộ đặc biệt khó khăn thôn Đà Bút - Nà Đoan hôm nay là một niềm vui lớn, với số tiền 10 triệu đồng trợ giúp của Chương trình, gia đình chị đã mua được 8 con lợn giống, số tiền còn dư chị dùng để sửa lại chuồng và mua thêm sắn, ngô cho lợn. Chị Hoành hy vọng sau 4 tháng, đàn lợn sẽ xuất chuồng. Chị Hoành dự tính trong khoảng thời gian 2 năm, nếu đàn lợn phát triển tốt, gia đình chị sẽ thoát nghèo và có thể hoàn vốn cho Chương trình…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực