Đối thoại việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế

Thứ tư, 28/06/2017 21:04
(ĐCSVN) - Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và ký quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Hiệp hội.

Hội nghị đối thoại việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ngày 28/6. Ảnh: ĐT

Buổi đối thoại được tổ chức với mong muốn những quy định của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung được thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo sự khách quan, công bằng giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phân biệt công lập hay tư nhân, vì quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định đó chưa hoàn toàn suôn sẻ, còn có những vướng mắc, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có bảo hiểm y tế mà cả đối với nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có các cơ sở y tế tư nhân. 

Việc đối thoại chính sách pháp luật với mong muốn các nhà quản lý lắng nghe tất cả các ý kiến của các đại diện các bệnh viện, phòng khám tư nhân, nhất là những vấn đề bất cập để nhanh chóng sửa đổi, hướng tới thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế. Những vấn đề nào xuất phát từ vấn đề chưa hiểu đúng, hiểu đủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức hội thảo, tập huấn để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Những gì thuộc về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có 444 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trong đó cơ sở tương đương hạng 2 có 71 bệnh viện, tương đương hạng 3 là 81 bệnh viện khám chữa bệnh BHYT. Năm 2016, tổng lượt khám là hơn 16 triệu lượt với số tiền đã chi trả hơn 6.600 tỷ đồng. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Số giường bệnh của các bệnh viện tư nhân phổ biến từ 60 đến 100 giường, một số bệnh viện tư nhân có số giường kế hoạch cao như: Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) 550 giường, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (Nghệ An) 250 giường, Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng 170 giường…

Tại buổi đối thoại, đại diện các bệnh viện, phòng khám tư nhân đề cập nhiều đến những vấn đề còn vướng mắc như: Làm rõ các khái niệm trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; Quy định yêu cầu chứng chỉ hành nghề; Vấn đề tăng giá dịch vụ y tế, định mức kỹ thuật chưa phù hợp thực tế; Khó khăn trong hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhất là thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế; Sự bất công giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc ký kết hợp đồng BHYT...

Đại diện cơ sở y tế tư nhân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: ĐT

Theo phản ánh của nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, việc cấp ứng kinh phí  của cơ quan BHXH chậm, thậm chí một số nơi cố tình tạm giữ để tạo cơ chế xin-cho, gây phiền hà, sách nhiễu cho các doanh nghiệp... Một số cơ sở khám chữa bệnh bị BHXH từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực y tế gặp khó khăn, một số bệnh viện tư nhân đối diện với nguy cơ phá sản...

Đối với tình trạng trục lợi Quỹ BHYT, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa đánh giá đầy đủ, khách quan các nguyên nhân gây vượt quỹ, thanh quyết toán chưa đúng với các quy định của chính sách BHYT.

Bà Nguyễn Thị Bắc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh (Lào Cai) bày tỏ: “muốn phản ánh toàn bộ sự việc thì chúng ta phải có con số thống kê rõ ràng rằng bệnh viện đó cho bao nhiêu dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng và có bao nhiêu dịch vụ không đúng với chỉ định. Bây giờ chúng tôi đề nghị BHXH Việt Nam làm thí điểm 1 hay 2 bệnh viện để chỉ ra tỷ lệ bác sĩ cho bao nhiêu xét nghiệm mà không đúng với chỉ định. Không có nghĩa chỉ mang ra một vài bệnh nhân, cá nhân mà nói có hiện tượng đó. Có hiện tượng trục lợi hay không cần đánh giá để xác định đây là hành vi trục lợi thì phải có con số cụ thể, phải thí điểm ở 1-2 bệnh viện”.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có cơ chế tháo gỡ nhưng Bộ Y tế và ngành BHXH chưa có sự đồng thuận và cơ chế chính sách chưa hài hoà, việc thực hiện chính sách không đồng nhất.

Ông Nguyễn Minh Thảo khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của thành viên Hiệp hội bệnh viên tư nhân Việt Nam, phối hợp với Bộ Y tế giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật về BHYT cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong tổ chức thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh nói chung và tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nói riêng.

Sau buổi đối thoại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký bản Quy chế phối hợp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Bản Quy chế là căn cứ để thực hiện kịp thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực