Đời sống công nhân da giày: Khốn khó trăm bề

Thứ tư, 06/01/2010 11:48
New Page 1
  
         Lao động ngành da giày.

Khi những người lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đặt bút ký quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa đối với những đôi giày có xuất xứ từ VN, họ có biết đâu, hơn nửa triệu lao động ngành da giày VN - kèm theo hàng triệu con người ăn theo khác – ngày càng lâm vào cảnh khốn khó trăm bề.

Chúng tôi đã có những ngày rong ruổi nhiều chốn ở của những CN ngành da giày, mới thấy bao nhiêu nỗi khổ đã và đang đè nặng lên từng số phận, từng mảnh đời tha phương... Hơn bao giờ, cuộc sống của hàng trăm ngàn CN da giày VN vẫn chưa qua cơn bĩ cực.
Bài 1: Điệp khúc "co kéo, chắt bóp"

Quay trong cơn… bão giá

Phải tới 3 lần canh me, chầu chực, tới lui khu nhà trọ CN nằm trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TPHCM vào buổi tối, tôi mới gặp được 3 nữ CN Cty giày Huê Phong. Suốt từ sáng cho đến 6 giờ chiều, cả dãy nhà trọ gần như đóng cửa im ỉm. Bà chủ nhà trọ bảo: “CN họ đi làm hết rồi. Chú muốn gặp, phải sau 6 giờ chiều”.

Gặp tôi, Nguyễn Thị Hoa (23 tuổi, quê ở Thanh Hóa) cho biết: “Vừa tan ca, mệt bã người, nhưng em vẫn phải tạt qua mua vài con cá, mớ rau về làm bữa cơm chiều. Tết nhất sắp đến, giá cái gì cũng lên vùn vụt anh ạ. Loáng cái, hết 50.000 đồng cho chỗ cá, rau, mắm muối này đấy ”.

Hoa cho biết, làm CN giày đã 4 năm tròn, lương vẫn không vượt qua mức 2 triệu đồng/tháng. Chi xài trong tháng hết già nửa số tiền trên, ky cóp lắm, mới có dư ra 500.000 đồng để dành dụm gửi về cho bố mẹ ở quê.

Lê Thị Minh Tuyết (24 tuổi, quê Nghệ An) và Quách Tố Hoàn (21 tuổi, quê Hà Tĩnh), cùng làm việc ở Cty giày Huê Phong và sống cùng phòng trọ với Hoa, bộc bạch với tôi: “Chị Hoa được lương 2 triệu đồng/tháng là “thâm niên” đấy; chứ bọn em, mới vào làm được 1 - 2 năm, lương rẻ bèo, chỉ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng. Chẳng dư giả đồng nào cho gia đình”.

Thật vậy, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, CN Quách Tố Hoàn nhỏ tuổi nhất, tiêu xài... “hồn nhiên” nhất, nên tháng nào cũng... lủng túi. Hoàn nói: “Biết làm sao được, thời buổi này, với thu nhập cỡ đó chẳng thấm đâu. Em chỉ biết làm được đồng nào, mình lo cho cuộc sống của mình thôi. Khi nào dư dả hẵng hay”.

Đối diện căn phòng của 3 cô gái trên là cặp vợ chồng CN Trương Thị Lê (27 tuổi ) và Nguyễn Văn Định (30 tuổi, cùng quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Chị Lê bức xúc: “Mới hôm qua, sữa lên giá ào ào, tôi đi mua hộp sữa “lắc” (tức Similac) cho thằng con mà thấy ngao ngán luôn. Tháng trước, 330.000 đồng/hộp, vậy mà bây giờ tới gần 370.000 đồng/hộp”.

Hai vợ chồng chị Lê dìu dắt nhau từ Đồng Tháp lên Sài Gòn làm CN giày đã 5 năm. Tổng thu nhập của cả 2 người chỉ gần 4,5 triệu đồng. Thêm đứa con gần 2 tuổi rưỡi, chị Lê cho biết: “Riêng tiền mua sữa cho con, mỗi tháng đã xấp xỉ 1,5 triệu đồng. Còn lại 3 triệu đồng, phải trả tiền nhà 800.000 đồng/tháng, điện 3.500 đồng/kWh, nước 15.000 đồng/m3... và tiền ăn uống, tiêu dùng hằng ngày; coi như cuối tháng... tay trắng, chẳng dư được cắc bạc nào”.

Xung quanh sự kiện EU áp thuế chống bán phá giá 10% lên sản phẩm giày xuất khẩu của VN vào Châu Âu, chị Lê nói: “CN chúng tôi không rành lắm vụ này. Nhưng hổm rày nghe đài, báo, tivi nói rầm rầm; vô xưởng, được một số chị bên chuyền trưởng giải thích, mới biết sắp tới, đời sống CN còn khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy lo lắng quá; nhưng biết làm sao đây?”.

Đành phải chắt bóp thôi!

Nếu như cảnh sống của CN Cty giày Huê Phong ở TPHCM quay cuồng, chóng mặt trong bối cảnh nội thị, giá cả leo thang, thì đời sống của hàng vạn CN ngành giày ở khu vực 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai lại khốn khó, héo hắt theo một kiểu khác.

Khu nhà trọ Bình Đường, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - nơi được coi như là một “ốc đảo” CN ngành da - giày. Ước chừng có tới 50 Cty, nhà máy gia công, sản xuất giày xuất khẩu tập trung ở đây như: Thái Bình, Duy Hưng, An Lộc, Đồng Hưng, Freetrend, Việt Lập, Liên Phát... Hơn 100.000 CN ngành da - giày đang sinh sống rải rác ở khu vực này.

Tại khu nhà trọ CN Bình Đường, có dãy nhà trọ kéo dài gần 100 phòng, với vô số CN từ mọi miền đất nước, tụ tập về thuê nhà trọ, chen chúc nhau sống trong điều kiện môi trường hết sức thấp kém.

Khi tôi tới một dãy nhà trọ có độ 40 phòng, cách khu dân cư Bình Đường 2 khoảng 300m, cũng là lúc trời chập choạng tối. Hàng trăm CN lũ lượt tan ca, đổ về khu nhà trọ... Tại một phòng trọ, có 8 CN từ các tỉnh phía bắc vào làm việc và sống chung với nhau.

CN Lê Thị Minh Hoài (25 tuổi, quê Thái Bình) cho tôi biết: “Thu nhập của CN ngành giày không cao, bình quân 1,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, áp lực công việc rất căng. Có thời điểm đơn hàng nhiều, tăng ca liên tục. Về tới nhà trọ đã 9 - 10 giờ đêm, bọn em không còn hơi sức đâu để mà nấu ăn nữa. Lại mì gói, đun sôi ấm nước đổ vào, vơ vội vào miệng cho dạ dày bớt cồn cào... Xong là mạnh đứa nào đứa nấy lăn ra nền nhà, sàn nhà ngủ để mà lấy sức, sáng mai tiếp tục cày”.

Tôi thắc mắc: “Nếu vậy, chắc bọn em dư tiền nhỉ. Vì lương làm ra, có tiêu xài gì đâu ?”. CN Đặng Thị Ngoan (22 tuổi, quê Bắc Ninh), hiện đang làm cho Cty giày Liên Phát - xởi lởi cho biết: “Vậy mà cuối tháng, đa phần chúng em không bao giờ có dư. Nếu có dư, chúng em đã không than thở. Cũng có người cố gắng chắt bóp, mới có được chút ít gửi về giúp bố mẹ ngoài quê”.

CN Lê Văn Nam (26 tuổi, quê Nam Định) - CN Cty giày Việt Lập - giải thích: “Hàng loạt khoản chi, nào là tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước...; với bọn đàn ông chúng em, lại thêm khoản càphê, thuốc lá, em út...; nên 1,7 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, hết vèo ấy mà. Nói tóm lại, CN da - giày còn khổ lắm lắm”.

Chiều hôm ấy, thay vì phải mua ít thịt về để kho mặn, ăn với canh rau muống; nhóm nấu ăn chung 3 người của CN Đặng Thị Ngoan đã phải chuyển sang mua đậu hũ chiên, chấm mắm tôm thay cho món mặn. Họ cho biết, tới lúc này, Cty chưa phát lương, ai cũng cạn tiền túi, nên đành phải chắt bóp, tiết kiệm từng ly từng tí ngay trong bữa ăn hằng ngày. “Thậm chí, có hôm chúng em chỉ nấu duy nhất một nồi canh với 1 quả trứng vịt, 2 trái cà chua; sau đó, 3 đứa xì xụp... húp, ăn canh trứng - cà chua với cơm trắng. Vậy cũng xong”.

Ăn uống thất thường kiểu ấy, chả trách không ít CN, dường như thiếu cái gì đó của cái gọi là nhựa sống, trẻ trung mà lẽ ra phải thấy ở lứa tuổi của họ. Trái lại, trước mắt tôi, 3 nữ CN, phải nói là rất đẹp, có duyên; thế nhưng, những vất vả lo toan, mưu sinh trong cuộc sống hằng ngày, kèm theo ăn uống thất thường đã khiến cô nào cũng có một nước da xanh mét, đôi mắt thiếu ngủ, cơ thể thiếu cân...

 

  
. 2 công nhân Đặng Thị Ngoan và Lê Thị Liễu sẽ không về nhà ăn tết, vì sợ mất việc làm, nếu trắc trở tàu xe, không vào kịp...

CN Lê Văn Nam - "bật mí" với tôi: “Cty giày của em đã cảnh báo rồi, đơn hàng trong quý I/2010 sẽ cạn. Sắp tới, nguy cơ sẽ thưa vắng khách hàng, CN bọn em sẽ đối mặt với thiếu việc dài dài...”. Nam không hiểu điều mà Nam nói ra, chính là tác động xấu từ việc EU áp thuế chống bán phá giá đối với ngành da - giày của VN. Song, anh chàng này cũng nói rằng, lương chờ việc chỉ 1 triệu đồng/tháng. Nếu qua 3 tháng mà Cty vẫn không có việc làm, Nam sẽ quay trở lại quê làm ruộng với gia đình.

Hơn 500.000 CN da - giày đối mặt với… thất nghiệp


Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - giày VN: “Sự kiện vừa qua, chúng tôi không bất ngờ. Hơn 3 năm qua, ngành da - giày VN đã phải gánh chịu sự “áp giá” bất công này từ phía EU. Trong năm 2009, với rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, đầu tư trong nước giảm sút, tiêu dùng của thị trường thế giới suy giảm... vậy mà ngành da - giày VN còn phải đối mặt với 2 thách thức, chỉ trong thời gian rất ngắn ngủi: Tháng 7.2009, bị EU cắt ưu đãi thuế quan GSP và tháng 12.2009, tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa. Tất cả những đối xử bất công này đều tác động rất xấu đến toàn bộ ngành sản xuất da - giày của VN”.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng Thư ký Hội Da - giày TPHCM - cho rằng: “Cả nước có khoảng 200 DN sản xuất da - giày và xuất khẩu ra thị trường thế giới (chủ yếu là vào EU). Toàn ngành da - giày có khoảng 650.000 CN; việc áp thuế chống bán phá giá 10% cho giày VN vào EU; đồng nghĩa, mỗi đôi giày VN phải cõng thêm 10% tiền thuế. Lợi nhuận DN sẽ giảm trầm trọng, kéo theo, họ phải cắt bớt thu nhập của hàng trăm ngàn CN.

Chưa kể, do phải chịu thuế bất công, các nhà đầu tư sẽ bắt buộc phải chuyển đầu tư vào những quốc gia không bị áp thuế như: Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Bangladesh... Điều gì sẽ xảy ra với hơn nửa triệu CN Việt Nam, một khi các nhà đầu tư chuyển hướng? Đó là nguy cơ hơn nửa triệu CN ngành da - giày của VN sẽ phải đối mặt với thất nghiệp”...
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực