Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền

Chủ nhật, 07/10/2018 21:27
(ĐCSVN) - Đà Nẵng đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ hành chính công, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, cải thiện mức độ hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

Đây là kết quả sau 15 năm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bứt phá ngoạn mục

Từ khi thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW tới nay, thành phố Đà Nẵng đã có những bứt phá ngoạn mục trong công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Việc triển khai đánh giá, xếp hạng CCHC đã tạo khí thế thi đua giữa các Sở, ngành, địa phương liên quan, tạo thuận lợi tối đa cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Năm 2017 là năm thứ 10 liên tiếp Đà Nẵng triển khai chủ trương đánh giá, xếp hạng về CCHC. Việc triển khai Quyết định số 1898/QĐ-UBND ngày 15/3/2012 của UBND thành phố đã được tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.

Theo ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ số CCHC (Public Administration Reform - PAR Index) là công cụ quan trọng đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình triển khai, đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao điểm số và xếp hạng của mình so các địa phương khác và với chính mình trước đó.

Quan điểm của thành phố là đánh giá, xếp hạng để tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhóm (cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; nhóm Sở, ban, ngành và nhóm quận/huyện) để nâng cao hơn chất lượng phục vụ chứ không chỉ vì thứ hạng.

Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ tập trung
ở trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Anh Tuấn)

Được biết đến là địa phương tự xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng CCHC hàng năm sớm nhất cả nước, những bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng có đóng góp quan trọng để Bộ Nội vụ công bố PAR Index hàng năm từ năm 2012.

Bên cạnh đó, việc đồng thời đánh giá về CCHC, văn thư lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cũng góp phần tiết kiệm thời gian cho các đầu mối.

Có thể kể đến, Bảo hiểm Xã hội thành phố áp dụng phần mềm quản lý quy trình nghiệp vụ tiêu chuẩn ISO 9001:2008; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) cho cá nhân qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016; ứng dụng CNTT nâng cao năng lực phục vụ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, duy trì tỷ lệ thẻ bảo hiểm y tế đáo hạn trên địa bàn quận/huyện để nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân...

Hay Cục Hải quan thành phố với việc xây dựng hệ thống quản lý việc cấp giấy phép nhập khẩu ô tô, xe máy theo hình thức quà biếu tặng; phần mềm theo dõi, quản lý tờ khai đưa hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; hay phần mềm quản lý tờ khai hủy.

Dẫu có bước chuyển mình vượt bậc, liên tục đứng đầu PAR Index, song theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, địa phương sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt đưa Đà Nẵng không chỉ nằm trong nhóm đầu cả nước về CCHC mà tất cả chỉ số PAR Index phải luôn xếp hạng cao.

Cụ thể, tập trung tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị; có giải pháp hữu hiệu, sáng kiến CCHC mang tính đột phá để vận dụng, áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm bổ sung nguồn lực cho công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát, công bố kết quả giải quyết TTHC; đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả “một cửa”

Thực tế ghi nhận cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử tại Đà Nẵng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, qua đó góp phần thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, hiện đại hóa nền công vụ, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Ngay từ năm 2001, Đà Nẵng là địa phương sớm triển khai cơ chế một cửa trước khi có Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 quy định việc triển khai cơ chế này trên toàn quốc.

Bằng việc tạo ra môi trường minh bạch, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ giải quyết hồ sơ hành chính, cơ chế này đã tạo sự chuyển biến tích cực về tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Theo ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, điều quan trọng hơn là củng cố được niềm tin của công dân, tổ chức vào chính quyền thành phố năng động và đổi mới vì nhân dân phục vụ.

Thừa nhận thực tế có những thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan hành chính, đòi hỏi nhiều thời gian, năm 2006, Đà Nẵng một lần nữa tiên phong thí điểm cơ chế một cửa liên thông trên lĩnh vực đất đai, lao động - thương binh và xã hội tại UBND phường/xã. Trong khi đến ngày 22/6/2007, cơ chế một cửa liên thông mới chính thức triển khai trên toàn quốc theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg.

Cơ chế này vẫn đang duy trì hiệu quả tại 100% phường/xã, quận/huyện và được mở rộng đến các Sở, Ban, ngành, từ đó nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết đã được rà soát, sửa đổi, thậm chí bãi bỏ.

Thống kê cho thấy quy trình, thủ tục hồ sơ hành chính đã rút ngắn từ 1/3 - 1/2 so với trước, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, giảm hàng triệu ngày làm việc, đồng thời đóng góp tích cực vào những nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố.

Sẵn sàng cho Chính quyền điện tử

Hiện tất cả hồ sơ một cửa tại Đà Nẵng được tiếp nhận, in giấy biên nhận và chuyển xử lý, giải quyết trên một hệ thống tập trung.

Bà Võ Thị Tuyền - Trưởng phòng Cải cách Hành chính (Sở Nội vụ) cho hay, ứng dụng CNTT ngày càng đồng bộ từ chính quyền cơ sở đến chính quyền thành phố, từng bước hình thành một chính quyền điện tử hiện đại, thông minh, mở rộng về phạm vi giữa cả 3 cấp.

100% cơ quan (trừ UBND huyện đảo Hoàng Sa) đã có mạng số liệu chuyên dùng riêng của chính quyền thành phố và kết nối Internet tốc độ cao; cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo số lượng máy tính bình quân trên một công chức.

Có thể khẳng định, ở thành phố đáng sống này, hạ tầng tương đối đầy đủ, hiện đại, sẵn sàng cho Chính quyền điện tử với hơn 300 phần mềm chuyên ngành đang phát huy hiệu quả, 100% hộp thư điện tử đơn vị sử dụng hằng ngày, 90% lãnh đạo đơn vị, 100% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng.

Toàn thành phố đã triển khai 520 dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4) trong tổng số 1.135 thủ tục hành chính theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.

Một bước tiến nữa trong CCHC, giảm giấy tờ và thời gian xử lý tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả cũng như các phòng chuyên môn là việc xây dựng hệ thống hồ sơ điện tử khách hàng. Đây cũng là tiền đề cho việc đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khi người đăng ký dịch vụ công được xác thực và cấp tài khoản trên hệ thống.

Thúc đẩy hiện đại hóa nền công vụ

Sau 4 năm hoạt động, bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ tập trung (một cửa tập trung) cấp thành phố đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, thúc đẩy hiện đại hóa nền công vụ và dần hình thành thói quen của nền hành chính mới hiện đại và năng động.

Tọa lạc tại số 24 Trần Phú, quận Hải Châu, Trung tâm Hành chính thành phố là mái nhà chung của 20 cơ quan chuyên môn và 02 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố.

“Trao đổi văn bản điện tử trực tiếp thông qua chữ ký số, chứng thư số, các cơ quan chuyên môn làm việc trong cùng một tòa nhà sẽ rút ngắn thời gian trong công tác phối hợp, giải quyết vấn đề cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Lãnh đạo thành phố cũng nắm tình hình nhanh hơn từ các cơ quan chuyên môn, giảm một số bước trung gian trong giải quyết vấn đề phát sinh so với trước đây khi các cơ quan làm việc ở những trụ sở riêng lẻ”, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa chia sẻ.

Có thể nói, Đà Nẵng đã cơ bản hình thành thói quen của một nền hành chính mới hiện đại, năng động, hòa mình với sự phát triển chung của các mô hình quản lý trên thế giới.

Người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận 32 quầy giao dịch ngay tầng 1 của Trung tâm với các bộ phận tư vấn, tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ, được trang bị hệ thống CNTT đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng hơn 800 lượt/ngày liên quan đến 913 thủ tục hành chính.

Với mô hình liên thông, liên kết, việc nộp hồ sơ và lấy kết quả chỉ cần thực hiện một lần, các bước tiếp theo là nhiệm vụ của chính quyền. Điều này mang lại những thay đổi cơ bản về cách thức làm việc của các Sở, ban, ngành, từ phương thức “nhận hồ sơ theo chức năng, nhiệm vụ” sang “giải quyết hồ sơ theo yêu cầu”./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực