APEC 2017: Doanh nghiệp tham gia Quản lý rủi ro thiên tai

Thứ sáu, 22/09/2017 21:15
Sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho giảm thiểu rủi ro thiên tai là một trong những nội dung quan trọng trong Phiên kỹ thuật 3, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra ngày 22/9 tại Nghệ An.
Đoàn chủ tọa cuộc họp phiên kỹ thuật thứ 3. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Các đại biểu đến từ các nền kinh tế đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của doanh nghiệp vào việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời gửi thông điệp kêu gọi sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như tăng cường hiệu quả sự tham gia của nhà nước và các bên có liên quan trong các nỗ lực ứng phó.

Trung Nam Group là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được tham gia vào Phiên kỹ thuật 3 đã chia sẻ các cơ hội hợp tác vùng để phát triển khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện dự án chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh.

Năm nay lượng mưa bất thường, triều cường cao, thành phố Hồ Chí Minh rất vất vả trong việc chống ngập. Chính phủ có dự án 1.547 chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị đầu tư 7 tỷ USD. Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân như Trung Nam đầu tư cho dự án chống ngập do biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 500 triệu USD. Trong giai đoạn 1 này, Trung Nam Group xây dựng 6 cống lớn, 2 cống vừa và 25 cống nhỏ và 8 km đê kè sung yếu.

Dự án chống ngập này có nhiệm vụ quan trọng ngăn triều xâm nhập vào trong thành phố để hỗ trợ công tác thoát nước trong đô thị đi ra kênh rạch, hồ đập, bơm ra ngoài; giữ nước khi triều ở ngoài sông xuống; nếu tương lai xâm nhập mặn thì các cửa cống chặn lại để giữ nước ngọt cho người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Trong quá trình thực hiện, do nền đất của thành phố Hồ Chí Minh yếu và đất bùn nên đã ứng dụng khoa học công nghệ nền móng của Nhật Bản.

Các nền kinh tế trên thế giới cũng đã nêu kinh nghiệm ứng phó với thiên tai bằng khoa học công nghệ. Dự án chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh của Trung Nam Group cũng ứng dụng khoa học công nghệ về kỹ thuật tự động, công nghệ thông tin để kiểm soát vùng nước.

Với dự án chống ngập này, Trung Nam Group xây dựng 29 trạm quan trắc để có thể đưa ra dự báo về mưa và triều cường để có những ứng phó và vận hành đóng trước để giúp thành phố Hồ Chí Minh tiêu thoát nước. Đồng thời Công ty xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm để vận hành tốt, kể cả kiểm soát được kích cỡ tàu thuyền ra vào và an ninh khu vực.

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, nhiều đầu tư công vào việc ứng phó biến đổi khí hậu nhưng để kết nối được các cơ sở dữ liệu thì chưa thực hiện được vì mỗi nơi làm đều là cơ sở dữ liệu riêng biệt. Dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối được các thông tin cho tương lai đối với cả dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh và dự án chống ngập, xói lở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Trung Nam sẵn sàng chia sẻ cơ sở dữ liệu như vậy, kể cả đài khí tượng thủy văn cũng có thể kết nối và lấy dữ liệu tại đây. Trong tương lai tôi nghĩ nhà nước phải yêu cầu tất cả các cơ sở dữ liệu có thể chia sẻ với nhau trên website chung để người dân ứng phó, Tổng Giám đốc Trung Nam Group đề nghị.

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nhận thức rất tốt về những rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhận thức và hành động đang còn rất xa do các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn như vốn, lao động, thị trường nên việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu đang là câu chuyện bên lề của doanh nghiệp, đây là điều đáng lo ngại.

Quỹ Châu Á là một tổ chức phi Chính phủ của Mỹ, trong thời gian qua Quỹ này đã hợp tác với các tổ chức như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tổng cục đo lường chất lượng, các tổ chức phi Chính phủ của Việt Nam tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo hơn 2.000 doanh nghiệp trong suốt 5-6 năm qua tại 20 tỉnh, thành Việt Nam.

Song song đó, Quỹ đã xây dựng đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp về công tác quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Đồng thời, đưa tiếng nói doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách trong công tác quản lý rủi ro thiên tai. Ví dụ như tổ chức các diễn đàn chính sách mà doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có mặt, đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan soạn thảo luật phòng chống thiên tai.

 

 Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự cuộc họp phiên kỹ thuật thứ 3. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Đặc biệt, Quỹ cũng hướng doanh nghiệp đến công tác phòng ngừa cho cộng đồng thay vì chúng ta đầu tư nguồn lực cho doanh nghiệp trong công tác cứu trợ. Quỹ Châu Á đang phối hợp với VCCI Việt Nam chuyển hướng tư duy của doanh nghiệp sang phòng ngừa nhiều hơn. Song song đó xây dựng các bộ công cụ vì hiện nay các doanh nghiệp đang rất thiếu công cụ để họ đánh giá được rủi ro, biển đổi khí hậu và thiên tai đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

“Cần phải xây dựng văn hóa ứng xử cho doanh nghiệp với các vấn đề rủi ro biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, ý thức của doanh nghiệp rất tốt nhưng họ lại chưa có văn hóa ứng xử. Để xây dựng được văn hóa ứng xử doanh nghiệp, đầu tiên phải xây dựng hệ thống chính sách hướng đến doanh nghiệp với sự ra đời của Tổng cục phòng chống thiên tai, hy vọng thời gian tới, Tổng cục này sẽ là đầu mối của các chính sách hướng đến cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, nếu đưa được nội dung quản lý thiên tai vào trong các nghị định về hợp tác công tư thì những doanh nghiệp như Trung Nam Group, Frudential hoàn toàn có cơ hội được tham gia vào mảng công việc mà nhà nước đang nắm, nếu được như vậy thì nhà nước sẽ huy động được nguồn lợi rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ Chương trình Cao cấp Môi trường và Phát triển bền vững, Quỹ Châu Á cho biết.

Kết thúc Phiên kỹ thuật 3, các đại biểu đều khuyến nghị để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác phòng chống thiên tai, tăng cường hợp tác khoa học công nghệ để đối phó với thiên tai “Bình thường mới”. Có thể nói, việc tăng cường hợp tác giữa nhà nước, khu vực tư nhân cũng như các bên có liên quan nhằm nâng cao năng lực ứng phó cho các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại quốc tế gắn với phát triển bền vững hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu bắt đầu đặt ra những yêu cầu mới như sản phẩm/dịch vụ thân thiện môi trường, giảm phát thải, sản xuất xanh tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dung năng lượng tái tạo… điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có chuẩn bị và điều chỉnh phủ hợp./.

 

Bích Huệ/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực