Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thứ hai, 16/07/2018 16:46
(ĐCSVN) - Chiều ngày 16/7/2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TW, Điện:
Ảnh mây vệ tinh vùng áp thấp nhiệt đới (Nguồn: nchmf.gov.vn)

- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế;

- Các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính viễn thông;

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hiện nay hình thành nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta, cụ thể: ngày 16/7/2018, áp thấp trên vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ngoài ra, trên vùng biển Đông Bắc đảo Lu-dông (Philipin) xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, dự báo đêm 16/7, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào phía Bắc Biển Đông, di chuyển nhanh theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành bão. Đồng thời khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to đến rất to có khả năng gây ra lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với các hình thế thời tiết nguy hiểm, Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với khu vực trên biển, ven bờ:

- Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi trồng thuỷ, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Tuỳ theo diễn biến áp thấp nhiệt đới, chủ động cấm biển.

2. Đối với khu vực trên đất liền:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa lớn, lũ lớn.

- Tổ chức tính toán hồ chứa, vận hành xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập, công trình, hạ du và khai thác tổng hợp nguồn nước sản xuất, chủ động đưa mực nước về mực nước đón lũ chính vụ theo quy trình.

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật chất, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình xử lý sự cố do mưa lũ trên các tuyến đê biển.

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

- Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

3. Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

5. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực