Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Triển khai mô hình sản xuất lúa áp dụng biện pháp “hiệu ứng hàng biên”

Thứ ba, 04/12/2018 10:18
(ĐCSVN) - Vụ Xuân và vụ Mùa 2019, huyện Bình Xuyên dự kiến sẽ triển khai mô hình sản xuất lúa áp dụng biện pháp “hiệu ứng hàng biên”.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 26/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, nhằm đẩy mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các quy trình sản xuất mới, để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND huyện Bình Xuyên xây dựng kế hoạch triển khai mô hình sản xuất lúa áp dụng biện pháp “hiệu ứng hàng biên” năm 2019.

Mục đích nhằm giúp nông dân ứng dụng thành công mô hình sản xuất trình diễn giống mới chất lượng cao và áp dụng các biện pháp canh tác mới để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trồng lúa.

Khuyến khích nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa cũ và phương pháp cấy lúa truyền thống bằng cấy lúa áp dụng biện pháp “hiệu ứng hàng biên”, hạn chế thiệt hại thấp nhất do sâu bệnh gây nên, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm để nông dân trên địa bàn huyện, cán bộ làm công tác nông nghiệp, nhà quản lý thăm quan, học tập và nhân ra diện rộng.

Theo đó, quy mô triển khai khoảng 20ha/năm, địa điểm triển khai tại thị trấn Hương Canh và xã Đạo Đức, dự kiến có khoảng 200 hộ tham gia. Thời gian thực hiện vụ xuân và vụ mùa năm 2019.

Phương pháp triển khai mô hình gồm: lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình, khoanh vùng tập trung thuận tiện cho công tác chỉ đạo theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa trong cả vụ và tổng kết thăm quan đầu bờ.

Tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật tại Hương Canh và Đạo Đức cho nông dân tham gia mô hình. Phổ biến tuyên truyền giới thiệu quy trình kỹ thuật, phương pháp gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tại hội trường. Thực hành hướng dẫn cấy lúa áp dụng biện pháp “hiệu ứng hàng biên” thực hiện tại ruộng trình diễn.

Ngân sách huyện hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật cho hộ tham gia mô hình, hội nghị tham quan, tổng kết mô hình, công chỉ đạo kỹ thuật; hỗ trợ công cấy cho nông dân tham gia mô hình.

Hộ nông dân đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và các chi phí khác./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực