Vĩnh Phúc: Xây dựng và duy trì các mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội

Thứ hai, 03/12/2018 15:33
(ĐCSVN) – Về cơ bản, trong công tác năm 2018, kết quả hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh khá khả quan, đáng ghi nhận trên tất cả các mặt, các lĩnh vực.

Phụ nữ Vĩnh Phúc trong xã hội hiện đại - Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc (Ảnh: Vĩnh Phúc TV)

Cụ thể, trong năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh các huyện, thành phố phối hợp với các ngành tổ chức rà soát các vấn đề ưu tiên liên quan đến phụ nữ ở địa phương. Từ đó, lựa chọn vấn đề tập trung giải quyết là: Giáo dục phẩm chất, đạo đức và giáo dục pháp luật cho phụ nữ, an toàn thực phẩm, mất cân bằng giới tính khi sinh, nhà trẻ mẫu giáo trong khu công nghiệp.

Các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 72 lớp tập huấn, truyền thông về các kiến thức về pháp luật an toàn thực phẩm, các mối nguy ô nhiễm vào thực phẩm, cách phòng chống ô nhiễm thực phẩm, chế độ dinh dưỡng, 4 phẩm chất đạo đức; công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mại dâm, bạo lực gia đình, kiến thức cho phụ nữ mang thai … cho hơn 7.000 lượt cán bộ, ban chủ nhiệm các mô hình và hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua tập huấn, truyền thông đã giúp cho hội viên, phụ nữ được trang bị kiến thức, kỹ năng để ứng phó với các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã tổ chức chuỗi các hoạt động về an toàn thực phẩm với 61 buổi truyền thông và ký cam kết về an toàn thực phẩm với sự tham gia của gần 2.000 cán bộ, hội viên phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt chi/tổ/câu lạc bộ vào dịp tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tọa đàm “An toàn thực phẩm vì sức khỏe, hạnh phúc gia đình và cộng đồng” tại huyện Vĩnh Tường; tổ chức “Lễ phát động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tại cấp tỉnh và huyện Yên Lạc... Thông qua sự kiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, nâng cao nhận thức và huy động sự chung tay của xã hội trong thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.

100 % cơ sở Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Y tế tổ chức truyền thông phổ biến cho hội viên, phụ nữ về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai; tuyên truyền, vận động đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng vacxin, uống vitamin A; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trên 10.000 hội viên, phụ nữ, 460 trẻ em và trên 8.000 trẻ vị thành niên.


Phụ nữ Vĩnh Phúc giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý tại các huyện, thành phố cho trên 1.000 hội viên, phụ nữ về kiến thức pháp luật như: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Dân sự; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền lợi sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài; phòng chống buôn bán phụ nữ- trẻ em …Qua đó đã giúp cho hội viên, phụ nữ nắm được các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình và chấp hành pháp luật góp phần vào giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo điểm Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với 500  đại diện cán bộ, hội viên phụ nữ của huyện. Tại hội nghị, đã có 16 ý kiến với 18 câu hỏi của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân gồm các nội dung: Công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, giải quyết việc làm, đất đai, ô nhiễm môi trường, vấn đề giao thông nông thôn và bạo lực học đường... đang nổi cộm trong tình hình hiện nay; những vướng mắc, bất cập về chủ trương, cơ chế, chính sách; những giải pháp trong thời gian tới về tổ chức, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được đông đảo người dân quan tâm. Thông qua hoạt động đối thoại nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, hội viên, phụ nữ một cách trực tiếp; tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên phụ nữ, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, khó khăn vướng mắc của hội viên, phụ nữ và nhân dân.

Xây dựng và duy trì các mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, các cấp Hội tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình hiện có tại địa phương. Trên cơ sở kết quả rà soát, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo ra mắt 3 mô hình về 4 phẩm chất phụ nữ "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", 3 mô hình về an toàn thực phẩm: "Bếp xanh hạnh phúc",  "Thực phẩm an toàn vì chất lượng cuộc sống", "Rau an toàn"; 6 mô hình “Phụ nữ với pháp luật”. Đến tháng 11 năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 23 mô hình về thực hiện các nội dung của Đề án. Các mô hình bước đầu được thành lập thu hút sự tham gia nhiệt tình của các thành viên, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nội dung, hình thức sinh hoạt của các mô hình phong phú và rất phù hợp với thực tiễn của địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung về vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe sinh sản, bạo lực gia đình…

Năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hội viên phụ nữ; nâng cao hiệu quả, xây dựng và nhân diện các mô hình hoạt động hiệu quả tại các địa phương về thực hiện các vấn đề xã hội; tổ chức các hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề về các nội dung: Phẩm chất đạo đức của phụ nữ, bạo lực gia đình, bình đẳng trên cơ sở giới, cân bằng giới tính khi sinh, xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ, hội viên phụ nữ, học sinh tại trường học; giám sát các quy định pháp luật về phụ nữ và trẻ em về phòng chống bạo lực gia đình, nạo phá thai; xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; lao động trẻ em; nhà, nhóm trẻ gia đình.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực