Ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực

Thứ sáu, 28/09/2018 18:08
(ĐCSVN) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm đến nay, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ như dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng mô hình học tập,... cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành.

 

Ảnh minh họa (Ảnh:TL)


Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyển sinh và khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Đầu tư cơ sở vật chất trường học từng bước được điều chỉnh giữa các cấp học cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là đối với bậc học mầm non; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy nhanh tiến độ gắn với yêu cầu chuẩn chất lượng và từng bước đạt chất lượng cao. Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững.

Kết  quả thi THPT quốc gia năm 2018, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước; tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp đạt 98,48%.

Năm học 2017-2018, Vĩnh Phúc có 70 học sinh đoạt giải, trong đó, có 4 giải Nhất, 32 giải Nhì, 24 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet, Vĩnh Phúc giành 29 Huy chương Vàng (HCV), 31 Huy chương Bạc (HCB) và 35 Huy chương Đồng (HCĐ); Cuộc thi Toán qua Internet, học sinh Vĩnh Phúc đạt 49 HCV, 43 HCB, 27 HCĐ; Cuộc thi Câu lạc bộ Toán tuổi thơ toàn quốc năm 2018, đạt 7 HCV, 7 HCB và 5 HCĐ.

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua thành các hoạt động thường xuyên của ngành. Tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt phân luồng sau THCS và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực