Tưng bừng ngày hội đua ghe mừng lễ hội Óoc om bóc

Thứ hai, 11/11/2019 23:06

(ĐCSVN) - Hàng năm cứ vào ngày 14 – 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam bộ lại nô nức Lễ hội Óoc om bóc còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”. Đây là lễ hội tưng bừng nhất và được chờ đợi nhiều nhất trong năm. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem như thần điều tiết mùa màng, giúp bà con làm ăn khá giả, mùa màng bội thu.

Giải đua năm nay có 59 đội ghe Ngo tham gia tranh tài. Ảnh PN

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) Sóc Trăng: Năm nay, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óc om bóc – Đua ghe Ngo với quy mô khu vực Đồng bằng sông Cửu Long định kỳ hai năm/lần. Điểm nhấn của Lễ hội chính là Giải đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, có 59 đội ghe ngo tham dự (có 17 đội đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang) với 2 nội dung thi đấu 1.000m đối với nữ, 1.200m đối với nam diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/11/2019, trên sông Maspero (Phường 4, TP. Sóc Trăng).

Ghe ngo có chiều dài từ 25 – 30m, chứa từ 52 đến 60 tay bơi. Mũi và đuôi cong vút tạc hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sắc sặc sỡ. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả. Ngồi mũi ghe là một vị lão làng cầm chịch, giữa ghe là một vị giữ nhịp bằng cồng hoặc bằng còi. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ. Mỗi chiếc ghe ngo thường đại diện cho một chùa hoặc một phum sóc.

Tuy chưa đến giờ khai cuộc Giải đua ghe ngo Lễ hội Óoc om bóc, nhưng ngay từ sáng sớm ngày 11/11/2019, từng tốp người nườm nượp đổ về khu vực khán đài đường đua ghe ngo bên bờ kè sông Maspéro TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) để chứng kiến cuộc so tài giữa các đội ghe trong và ngoài tỉnh. Nhiều tuyến đường đổ ra khán đài đua ghe chật kín người xe, lực lượng cảnh sát giao thông Sóc Trăng đã phải “căng” hết mình để điều tiết giao thông.

Đến giờ khai mạc, trên khán đài chính không còn một chỗ trống; còn dọc 2 bên bờ sông Maspero thì cả một “rừng” người chen kín kéo dài khoảng 2km. Không khí tại ngày đua ghe hết sức sôi nổi khi tiếng trống, tiếng kèn vang lên liên tục để cổ vũ cho các đội nhà.

Đúng giờ khai cuộc, tiếng còi, tiếng reo hò vang cả đoạn sông khi những chiếc ghe ngo tiến về điểm xuất phát. Các đội đua tranh nhau từng nhịp chèo một với khí thế làm sao cho ghe đi nhanh nhất, về đích trước nhất. Có những màn đua các đội đuổi nhau bất phân thắng bại cả một đoạn dài và chỉ hơn thua nhau vài nhịp chèo bơi.

Hai bên bờ sông Maspero (TP. Sóc Trăng – Sóc Trăng) hàng vạn ngàn người đến xem đua ghe Ngo mừng lễ hội Óoc om bóc. Ảnh PN

Đến nay, hình ảnh những cô gái Khmer nhịp nhàng sử dụng mái dầm trong các cuộc đua ghe Ngo đã trở nên quen thuộc với người dân Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Chị Trần Thị Nhung, vận động viên của chùa Tum Núp (xã An Ninh, huyện Châu Thành – Sóc Trăng) chia sẻ: Bản thân rất đam mê môn ghe Ngo nên trước đây khi nhà chùa chưa có ghe Ngo nữ, tôi đã từng tham gia bơi cho nhiều đội ghe nữ khác cả trong và ngoài huyện. Năm nay, khi chùa có ghe mới thì chị em trong phum sóc rất hồ hởi và tích cực vận động nhau cùng ra tập luyện, vừa góp phần gìn giữ bản sắc của dân tộc; đồng thời cũng mong muốn mang được “vinh quang” về cho bổn sóc.

Theo anh Lâm Thanh Sia, vận động viên của chùa Pong Tức Chắc (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị – Sóc Trăng) năm nay đa số lực lượng chính của chùa là các vận động viên trẻ, khỏe  chiến thuật được huấn luyện viên đề ra là tăng cường sức dẻo dai và tăng tốc về đích. Toàn đội quyết tâm đạt được thứ hạng trong lễ hội. Còn anh Danh Thia đến từ xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề – Sóc Trăng) vui vẻ cho biết: “Thật thú vị, khi tận mắt chứng kiến chiếc dù bay lượn nhiều vòng trên bầu trời. Còn ở đường đua thì xem các đội thi đấu quá kịch tính và hấp dẫn”.

Sau hai ngày thi đấu quyết liệt, ở nội dung nữ, đội chùa Tum Núp (huyện Châu Thành – Sóc Trăng) đã giành ngôi vô địch, về nhì là đội ghe chùa Prê Chêk (TX. Ngã Năm – Sóc Trăng). Ở nội dung nam, nhờ sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà và có sự đầu tư kỹ và tập luyện bài bản nên đội ghe chùa Pong Tức Chắc (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị – Sóc Trăng) đã tỏ ra vượt trội và đăng quang một cách xứng đáng. Á quân là đội ghe Càng Long đến từ huyện Càng Long – Trà Vinh./.

PHƯƠNG NGHI

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực