Tháng Bảy bên dòng Thạch Hãn

Thứ bảy, 27/07/2019 14:58
(ĐCSVN) - Đến với Quảng Trị vào những ngày hè rực lửa của tiết trời tháng Bảy, tôi có dịp viếng thăm, dâng hoa, thắp nén hương thơm lên các phần mộ tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang và tại các di tích lịch sử vang vọng khí hào hùng của một thời đánh giặc giữ nước như: Tà Cơn, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương, Thành Cổ, sông Thạch Hãn…
Các cựu chiến binh kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ bên dòng sông Thạch Hãn

Mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, đâu đâu cũng gợi lên trong tôi cảm xúc trào dâng, thành kính, linh thiêng và sâu nặng nghĩa tình. Bởi để thế hệ chúng tôi có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như hôm nay, chắc không ai có thể nào quên được những năm tháng bi hùng của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc; những trang sử được thấm đẫm máu đào của hàng triệu các anh hùng liệt sĩ.

Hòa trong dòng người tưởng chừng bất tận đến từ mọi miền của Tổ quốc và từ nước ngoài về đến thắp hương, tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tôi gặp lại Đại tá, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Hữu Quý. Trước đây, anh Quý công tác ở Tạp chí văn nghệ Quân đội và viết nhiều tác phẩm về vùng đất lửa này. Giờ đã nghỉ hưu, anh có thêm nhiều thời gian hơn để đến vùng đất lửa này, bởi nơi đây là chiến trường xưa anh từng chiến đấu và là vùng đất rất nhiều đồng đội của anh đã ngã xuống.

Cùng Đại tá Nguyễn Hữu Quý, tôi rưng rưng xúc động thắp những nén hương thơm lên từng phần mộ và bỗng thấy mình bé nhỏ may mắn và hạnh phúc biết bao so với những phần mộ lặng lẽ và thiêng liêng kia. Tuổi mười tám, đôi mươi của các anh được ghi trên những tấm bia đó, ám ảnh tôi đến nghẹn ngào. Bằng tuổi họ ngày ấy, thế hệ chúng tôi được vô tư rong ruổi bao ước mơ, hoài bão. Vậy mà các anh đã đem tuổi xuân ấy đi thắp xanh cả vòm trời đất Việt, nối dài những dải bình yên Tổ quốc. Hẳn trong số họ, không ít người khi trút hơi thở cuối cùng khi còn chưa từng biết đến một lần hò hẹn, còn chưa từng biết cầm tay ai đó mà mộng mơ màu trắng hoa cưới, hoặc có những người lúc ngã xuống mang theo lời thề non hẹn biển để lỡ dở một lần yêu thương.

Như hiểu được tâm trạng của tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Quý kể rằng: “Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ với hàng vạn phần mộ biết tên, chưa biết tên. Trong đó, có hai địa danh lịch sử được xem như hai nghĩa trang không mộ đó là Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn. Đã có không biết bao nhiêu người hy sinh ở mảnh đất Thành Cổ và dưới dòng sông chiến tuyến này. Chính vì vậy, hai địa danh này như nghĩa trang chung của những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống cho Tổ quốc được tự do…”.


Dòng người vào thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại thành Cổ Quảng Trị.


Chúng tôi đến Thành Cổ khi đã xế chiều, từng hàng người vẫn đang kiên nhẫn sắp hàng đăng ký vào viếng linh hồn các liệt sĩ ở tượng đài. Ai cũng trầm tư, rưng rưng xúc động làm không gian trở nên thanh tịnh bao trùm. Thành Cổ những ngày hè nắng oi ả, vẫn xanh mướt một màu xanh của cỏ, dừa và cây xanh. Người dân nơi đây nói rằng, cỏ thành cổ xanh hơn những nơi khác bởi mỗi gốc cây, ngọn trong khu di tích là một linh hồn người lính đang yên nghỉ. Chính vì thế, nhiều mà người dân nơi đây, đã nhiều thế hệ không ai bảo ai, cứ rảnh là họ lại vào Thành Cổ chăm sóc, tưới nước cho từng gốc cây, vạt cỏ.

Tượng đài Thành Cổ nằm trang nghiêm trong khu di tích giữa vi vút gió từ sông Thạch Hãn thổi vào. Chứng tích của 81 ngày đêm rực lửa, đẫm máu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân cả nước là đây. Cả một vùng di tích trong ánh chiều hoàng hôn đang chầm chậm buông vừa trang nghiêm vừa trầm lặng đến xao lòng. Theo dòng người tưởng chừng như bất tận, tôi thắp nén hương thơm lên tượng đài Thành Cổ và như lạc vào dấu tích của 81 ngày đêm đã trở nên huyền thoại khi ngày 27/7, ngày dành riêng cho những người lính đã nằm lại nơi chiến trường, những người đã để lại máu xương vì sự nghiệp dân tộc đang đến gần…

Những ngày này, dòng Thạch Hãn như chảy nhẹ nhàng hơn, vỗ về những sắc màu lung linh, huyền ảo của vạn vạn hoa đăng được những đồng đội, người dân Quảng Trị và du khách trên khắp cả nước thắp lên để tri ân những anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây. Cầm trên tay bó huệ trắng, tôi chậm chậm thả bước ra bến sông Thạch Hãn. Không gian đang tĩnh lặng, thì giữa đoàn người có một cô gái trẻ bỗng cất tiếng ngâm lên 4 câu thơ trong bài thơ “Lời người bên sông” của cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Lê Hữu Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ./Đáy sông còn đó bạn tôi nằm./Có tuổi đôi mươi hoà sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"… Điệu ngâm vừa dứt, ai trong đoàn cũng tiếng sụt sùi khóc. Rồi mọi người nhẹ nhàng nâng từng vòng hoa, cánh hoa thả xuống dòng nước mát. Từng cánh hoa cứ thế trôi về phía hạ nguồn, trôi mênh mang giữa mây trời tháng Bảy.

Nhiều bác cựu chiến binh đến thắp hương, thả hoa tưởng nhớ đồng đội mình hôm đó kể với chúng tôi, để rút khỏi Thành Cổ chỉ còn con đường duy nhất là mở một đường máu vượt qua sông Thạch Hãn. Không biết bao nhiêu đồng đội của các bác đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy dòng sông. Vì vậy mà, từ đó đôi bờ dòng sông Thạch Hãn có loài hoa mào gà giản dị mọc nhiều vô kể. Nó như ngàn vạn những ngọn nến lung linh trong nắng, trong mưa, trong sương gió vẫn vươn lên kiêu hãnh và mặn mà tình nghĩa thuỷ chung như tấm lòng những người lính trẻ.

Vào những ngày lễ, tết, rằm và đặc biệt vào tháng Bảy, nơi dòng sông máu lửa năm xưa này sẽ trở thành dòng sông hoa, sông lửa của vạn ngọn nến, hoa đăng tâm linh thắm đượm nghĩa tình tri ân để tưởng nhớ đến những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Nguyễn Đức Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực