Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Thứ sáu, 21/06/2019 22:12
(ĐCSVN) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhìn tổng thể, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Chiều 21/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (NQ33/NQ-TW).

Toàn cảnh Hội nghị do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 21/6. Ảnh: KT

Tại Hội nghị, Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Sau năm năm triển khai và thực hiện Nghị quyết, tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật Ngành tiếp tục được hoàn thiện. Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, hoạt động văn nghệ quần chúng, tuyên truyền cổ động, hoạt động quảng cáo, các loại hình dịch vụ văn hóa công cộng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Sáng tác và hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đội ngũ những người làm văn hóa dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các hội văn học nghệ thuật phát triển tốt cả về số lượng hội viên và chất lượng các hoạt động. Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi và trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước. 

Để có được những kết quả đáng khích lệ này, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo về văn hóa và con người Việt Nam theo Nghị quyết số 33-NQ/TW. Ngoài ra, Bộ còn tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, quảng cáo... 

Bộ cũng đã chỉ đạo có hiệu quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tham mưu ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... triển khai các Chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống trong các lĩnh vực, địa bàn công tác có liên quan.

Để xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã xây dựng công nghiệp văn hóa thành các ngành công nghiệp - kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”. Sau hơn một năm triển khai, thực hiện Chiến lược bước đầu đạt kết khả quan. Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương tăng cường bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa; gắn kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong quá trình xúc tiến quảng bá và sản xuất kinh doanh. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ một số bất cập như:  Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp. Đời sống văn hóa, thể thao của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nghèo nàn. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận.

Taị Lễ sơ kết, đại diện lãnh đạo sở văn hóa, thể thao các tỉnh, thành và đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày các tham luận nhằm làm rõ hơn về những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Phát biểu tại Lễ Sơ kết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá khá toàn diện các mục tiêu, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và  4 giải pháp mà Nghị quyết đề cập. Hội nghị được tổ chức là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, đánh giá, đưa ra các nguyên nhân và giải pháp của các vấn đề còn hạn chế, bất cập để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Những nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 33 vẫn còn rất thời sự và thiết thực. Các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trong thời gian tới, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống đạt được những kết quả như mong đợi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần nâng cao nhận thức về ví trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển. Xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hóa, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng “sức mạnh mềm” của một số quốc gia. Tập trung đổi mới, phát triển một số lĩnh vực ưu tiên để phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.


KT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực