Tạo đà cho Du lịch Việt Nam cất cánh

Thứ hai, 09/12/2019 22:03
(ĐCSVN) - Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, năm 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia. Mục tiêu là nhằm tạo sự bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Báo VnExpress tổ chức Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019.

Bốn bài toán đặt ra cho du lịch Việt Nam

Bốn phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 đã đồng thời diễn ra sáng 9/12 tại Hà Nội. Đây là các phiên họp chuyên sâu về những vấn đề đang còn khó khăn của ngành Du lịch Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Tại phiên thứ nhất - "Tổ chức lại hoạt động quảng bá, truyền cảm hứng cho du khách”, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam thời gian qua đã thu được một số thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều việc phải cải thiện. Do đó, các đại biểu tham dự chuyên đề này đã đánh giá lại chiến lược thương hiệu quốc gia, tìm hướng cải thiện các thông điệp, cách vận hành các văn phòng du lịch ở nước ngoài. Trong đó, nội dung đáng chú ý mà chuyên đề này đề cập là việc thúc đẩy Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam sớm đi vào hoạt động, tìm cách phối hợp hợp giữa các bên trong quảng bá và truyền cảm hứng cho khách quốc tế đến Việt Nam.


Các đại biểu tham gia phiên toàn thể tại Diễn đàn. (Ảnh: HL) 

Các đại biểu cùng bàn về những hạn chế, bất cập còn tồn tại, làm xấu đi hình ảnh điểm đến như tình trạng "chặt chém" khách du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh – an toàn cho du khách. Qua đó, các đại biểu đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý nhanh chóng, kịp thời phản ánh của khách du lịch.

Phiên thứ 2 hướng tới việc “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách”. Phiên thảo luận này cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang thay đổi liên tục. Nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Đặc biệt, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách, thay đổi cách tiếp cận.

Tại sự kiện, đại diện Google đưa ra 3 lời khuyên quan trọng cho doanh nghiệp: nên bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu của khách hàng, sử dụng thông tin để cung cấp các dịch vụ, giúp du khách có những trải nghiệm tốt bằng cách hạn chế tối đa cản trở khi lên kế hoạch du lịch.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ủng hộ chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ thông tin để quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh số hoá.

Tại phiên chuyên đề 3 về “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến”, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ; phát triển sản phẩm du lịch xanh, đáp ứng xu thế mới của du lịch; tăng cường hợp tác công tư để xây dựng, phát huy giá trị của những điểm du lịch...

Về vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các diễn giả cho rằng, du lịch là ngành kinh tế liên ngành, cần được sự ủng hộ của nhiều ngành, địa phương. Thứ hai là cần có chiến lược phát triển các điểm đến ở từng địa phương - chúng ta có nhiều tài nguyên tốt nhưng để thành sản phẩm du lịch cần quá trình và cũng cần có quá trình giữ gìn, bảo tồn.

Về du lịch xanh, du lịch cộng đồng, đây là điểm nhấn. Tuy nhiên, thực tế chưa phát triển được, vì sự phân chia lợi ích giữa doanh nghiệp, cộng đồng cư dân bản địa...

Phiên thảo luận cũng bàn về hạ tầng của du lịch. Nhiều điểm đến ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận, nên các địa phương cần ưu tiên sớm làm những con đường đến các điểm du lịch này. Trong đó, phát triển du lịch kết hợp bảo vệ môi trường cũng là vấn đề quan trọng.

Về công nghệ thông tin tại những điểm du lịch, các diễn giả cho biết, Việt Nam đã có những thành công trong việc áp dụng công nghệ thông tin, nhưng trong tương lai chúng ta cần đưa công nghệ thông tin thành bước đột phá cho du lịch phát triển như phát vé tự động, hướng dẫn du lịch bằng máy dịch tự động cho khách...

Chuyên đề thứ 4 được các đại biểu bàn thảo là “Việt Nam làm gì để phát triển Hàng không – chắp cánh cho du lịch”. Nội dung chính của phiên thảo luận là nhận diện những “nút thắt” của hàng không, từ đó tìm cách nâng cao năng lực Hàng không Việt Nam. Trong đó, bài toán hợp tác công - tư gắn với các dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành, cải thiện các sân bay cũ, phát triển hạ tầng mới được các đại biểu tập trung trao đổi. Bên cạnh những vấn đề nội tại ngành, chuyên đề này còn tìm giải pháp phát triển hàng không gắn với du lịch, hướng đến khai thác các thị trường khách trọng tâm, chi trả cao, lưu trú dài ngày...

Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, với sự quan tâm của các cấp, ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019, các chỉ số tăng trưởng nhiều nhất là 15 bậc, sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm, hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hoá, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tùng, năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế...

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, du lịch Việt Nam cần gia tăng mạnh về chất lượng. “Hy vọng các tham luận của diễn đàn sẽ tạo sức sống mới cho ngành phát triển bứt phá bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch trong thời gian tới” – ông Lê Quang Tùng cho biết.

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, ngài Gareth Ward - Đại sứ Anh cho biết: Muốn xây dựng một dự án dài hạn phát triển du lịch, trước hết cần phải xác định những hướng đi đúng đắn, trước tiên là hướng đến tính bền vững của du lịch. Ông đưa ví dụ về việc chọn những vấn đề mang tính biểu tượng như quản lý nhựa, chất thải, rác thải. "Chính phủ Anh đã xây dựng các kế hoạch về nhựa toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành du lịch cần đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Tôi đã thấy nhiều sáng kiến ở Hạ Long về vấn đề giảm rác thải nhựa. Đó là việc làm cần thúc đẩy từ Trung ương", ngài Gareth Ward nói.


Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. (Ảnh: HL) 

Vấn đề thứ hai vị Đại sứ nhấn mạnh có liên quan đến chuyển đổi số. Theo Đại sứ, tương tác về mặt điện tử có thể khiến Việt Nam trở nên đặc biệt hơn trong mắt du khách quốc tế. Thứ ba, cần xây dựng du lịch dựa trên những trải nghiệm cho du khách. Ông đưa ví dụ về sự kiện đua xe công thức một sắp tới tại Việt Nam. Đây là cơ hội để thu hút du khách quốc tế tới du lịch và ở lại dài ngày ở Việt Nam.

Về vấn đề xin visa, Việt Nam đã thực hiện một số chính sách miễn thị thực đơn giản hoá. "Việt Nam cần có chính sách về quản lý rủi ro của du khách châu Âu. Chúng ta thấy gần như không có rủi ro về mặt an ninh từ du khách châu Âu, chúng ta cần cân nhắc về điều đó", ngài Gareth Ward chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB nhận định, tuy đứng đầu Đông Nam Á, nhưng số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 70%. Để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, theo ông, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...

Đại diện TAB đánh giá cao Luật nhập cảnh mới sẽ áp dụng từ 1/7/2020 của Việt Nam theo đó khách du lịch có thể quay trở lại trong vòng 30 ngày. Đồng thời ông nhấn mạnh, chính quyền cần có cân nhắc, đẩy nhanh tốc độ, triển khai sớm các điều luật để mang lại lợi ích lớn cho ngành du lịch, có thể kể đến như chính sách visa cho người đến làm việc, và tăng mức lên 10 năm.

Để mang lại lợi ích lớn cho du lịch, các bên liên quan đều phải chung tay để thay đổi và cải thiện. Khi miễn visa cho du khách Anh và các nước châu Âu vào năm 2016, lượng du khách đã tăng thêm 19% và với tổng chi tiêu là 150 triệu USD. Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách.../.

H.Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực