Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa

Thứ tư, 20/12/2017 08:13
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược và một năm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, sáng 19/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế. Ảnh: VA

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Khi toàn cầu hóa đã không còn là xu thế mà trở thành hiện thực lan rộng trên toàn thế giới thì nhiều nước đã từng bước điều chỉnh chủ trương, chính sách quốc gia nhằm thích nghi với xu thế của thời đại. Họ khẳng định, muốn giữ gìn chủ quyền quốc gia, tăng cường sức mạnh quốc gia, chỉ dựa vào sức mạnh cứng (kinh tế, quốc phòng) thì không đủ, rất cần phải có sức mạnh mềm – một loại sức mạnh tổng hòa của nhiều nhân tố như chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, tâm lý và chất lượng dân số, trình độ khoa học kỹ thuật, tính ưu việt của văn hóa dân tộc, nguồn tài nguyên và chiến lược nhân tài quốc gia, khả năng tập hợp của chính phủ, năng lực đoàn kết và ổn định, sự phát triển bền vững của kinh tế và an sinh xã hội.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra rằng, khi cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh đang thay đổi thì châu Á đang đứng trước thời cơ và nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải gánh chịu và thực hiện những trách nhiệm mới tương xứng với vị thế và sức mạnh mà châu Á đã đạt được.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ là đối tác tự nhiên, mối quan hệ giữa hai nước không chỉ giới hạn ở mối lương duyên giao thoa văn hóa trải dài hơn 2000 năm lịch sử, trong đấu tranh độc lập, trong xây dựng đất nước mà hiện nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Trong suốt tiến trình ấy, sợi chỉ xuyên suốt kết nối Việt Nam - Ấn Độ luôn là sức mạnh mềm.

Với 98 bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ đã làm sâu sắc hơn nữa giá trị, vai trò, tác động của sức mạnh mềm; lợi thế, mối tương quan giữa sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh trong đời sống chính trị, văn hóa – xã hội, ngoại giao của các quốc gia dân tộc, tập trung vào Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa.

Các đại biểu đã luận giải thực trạng sáng tạo sức mạnh mềm, những thành tựu đạt được, những rào cản trong việc triển khai thực thi sức mạnh mềm của Việt Nam và Ấn Độ trong suốt thời kỳ hai nước đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước, và nhất là trong giai đoạn hội nhập khu vực và toàn cầu hóa ngày nay.

Đánh giá thành tựu hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 45 năm qua trên bình diện sức mạnh mềm; dự báo triển vọng hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện sức mạnh mềm trong thời gian tới và đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp, cách thức, bước đi phù hợp để triển khai thực thi, hiện thực hóa chủ trương, chính sách đó của hai nước, góp phần làm phong phú quan hệ hợp tác song phương./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực