Quy hoạch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn

Thứ bảy, 31/08/2019 20:05
(ĐCSVN) - Ngày 30/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1915/QĐ-TTg phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn. Đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện, Dự án này đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn.

 

Tháp G - Một trong những tháp được du khách quan tâm tìm hiểu.

Theo Ban Quản lý Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam), qua hơn 10 năm thực hiện Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, mặc dù vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần nhanh chóng khắc phục, song kết quả mà Dự án này mang lại cho Mỹ Sơn là rất lớn. Trong đó, ngoài các phần việc đã hoàn thành như rà phá bom mìn, xây dựng hạ tầng, bảo vệ cảnh quan… thì nhiều công trình quan trọng phục hồi các tháp, nhóm tháp; cải tạo, xây dựng các công trình quản lý, dịch vụ; triển khai dự án trồng rừng, tái tạo rừng... đến nay cũng được hoàn thành theo đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả trùng tu tháp G, một số công trình kiến trúc đã được trùng tu như tháp E7, nhóm tháp K, H…. Việc đưa vào trùng thu các tháp và nhóm tháp này không chỉ góp phần phục hồi gần như nguyên vẹn một số công trình đền tháp ở đây mà các giá trị di sản của Mỹ Sơn cũng được phát huy mạnh mẽ. Qua đó góp phần đưa lượng khách đến tham quan Mỹ Sơn tăng trưởng mỗi năm trên 20%, Ban Quản lý Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn có thêm nguồn kinh phí bố trí lại cho việc bảo tồn, phục dựng di tích.

Theo ông Phan Hộ - Trưởng Ban Quản lý Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Ban Quản lý đã trích lại hàng tỷ đồng từ nguồn thu du lịch dành cho công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn. Hiện tại, số dư dành cho quỹ phát triển sự nghiệp bảo tồn di tích Mỹ Sơn đạt khoảng 30 tỷ đồng. “Đây là số tiền trích lại 25% từ nguồn thu du lịch mà Ban Quản lý Khu di sản Văn hóa Mỹ Sơn sau khi làm các nghĩa vụ của nhà nước được phép trích lại. Với nguồn trích lại cho quỹ này, dự kiến sẽ tiếp tục được dùng triển khai trùng tu các tháp: F2, D1,D2 và di dời nhà biểu diễn ra khỏi vùng lõi trong năm nay”- ông Phan Hộ cho biết. Đồng thời, khẳng định thêm: “Mặc dù chưa thực hiện xong các kế hoạch được phê duyệt nhưng Dự án cũng đã hoàn thành phần lớn việc trùng tu các kiến trúc Mỹ Sơn, giữ cho tháp không ngã đổ hư hại thêm; một số di tích như nhóm tháp G, E7, K,H đã và đang được phục hồi tốt. Từ kết quả bảo tồn này không chỉ giúp phục hồi gần như nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu của kiến trúc, nhất là tháp G1 mà góp phần xác lập những cơ sở kỹ thuật để triển khai các dự án bảo tồn sau này tại tháp E7 và nhóm tháp K, H”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả như vừa kể, theo ông Phan Hộ, một số tồn tại, hạn chế qua thực hiện Dự án đến nay cũng đã được nhìn nhận. Trong đó, hạn chế dai dẳng nhất chính là nhóm tháp F vẫn chưa được trùng tu, cụ thể tháp F1. “Hơn 20 năm qua kể từ khi được khai quật khảo cổ, hiện trạng tháp F1 không khác gì đống gạch hỗn độn được chèn chống, níu kéo bởi những trụ sắt kiên cố. Càng lo ngại hơn khi hầu hết gạch của tháp đã bị bạc màu và đứt mạch liên kết. Một số công trình kiến trúc khác như tháp B3, B5, E4, F2… chưa có giải pháp bảo tồn chống đỡ hiệu quả. Cạnh đó, các nhóm tháp B,C, D việc lập dự án phát lộ, thám sát, thăm dò, khảo cổ, triển khai thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, do phạm vi quản lý được giao khá hẹp trong khi diện tích khu vực di sản lớn, kể cả rừng và vùng đệm. Điều đó khiến việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch tại vụ bị vướng; điển hình như xây dựng nhà biểu diễn văn nghệ và vườn tượng danh nhân vinh danh những người có công bảo tồn Mỹ Sơn hiện vẫn chưa thể thực hiện được do không có trong dự án quy hoạch này- ông Phan Hộ chia sẻ.

Trước thực trạng đó, một yêu cầu cơ bản cần phải được khẩn cấp thực hiện chính là điều chỉnh Dự án quy hoạch mới cho Khu di tích Mỹ Sơn nhằm tiếp nối những phần việc đang dang dở hiện nay, qua đó để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Khu di tích này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Hộ cho biết, quá trình điều chỉnh dự án quy hoạch chắc chắn lâu dài. Theo đó, lộ trình sẽ bao gồm các bước như: Lập báo cáo quá trình thực hiện dự án thời gian qua; xin chủ trương về việc cho thực hiện điều chỉnh quy hoạch; tiếp đến mời đơn vị tư vấn lập quy hoạch bổ sung, cuối cùng UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt thông qua.

“Quy hoạch mới sẽ bổ sung một số hạng mục mà trước đây trong quy hoạch cũ không có, đồng thời có thể mở rộng diện tích ra bên ngoài nhằm phát triển hệ thống dịch vụ sau này. Hiện tại, chúng tôi đã hợp đồng với Viện Bảo tồn di tích xây dựng điều chỉnh Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2035, định hướng đến 2040, dự kiến hoàn thành trước năm 2020 để sang năm 2021 có để triển khai”- ông Phan Hộ cho biết .

Việc triển khai Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2035 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Quyết định 1915 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đồng thời qua đó góp phần bảo đảm việc đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch; đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích… Đặc biệt, sẽ giúp xây dựng kế hoạch cũng như  phân bổ kinh phí nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn các dự án bảo tồn, trùng tu di tích Mỹ Sơn.

Mỹ Sơn hiện là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng, dù quá trình thực hiện quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, nhưng có thể khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản 10 năm qua khá thành công. Trong đó, việc thu hút nhiều nguồn lực phục vụ công tác trùng tu đã giúp khôi phục lại các công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường tốt, tạo điều kiện cho du lịch phát triển…“Tất nhiên, vẫn còn vài hạn chế do những đặc thù của Mỹ Sơn như nhiều di tích xuống cấp, thời tiết khắc nghiệt... Do vậy, câu chuyện bảo tồn phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn chỉ mới bắt đầu và còn phải tiếp tục lâu dài. Thời gian tới, sở sẽ cùng với huyện Duy Xuyên đánh giá lại công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản thời gian qua, đề xuất quy hoạch giai đoạn mới, đồng thời có những kế hoạch cụ thể chi tiết đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không chỉ ở vùng lõi mà cả vùng đệm, kể cả kêu gọi xúc tiến đầu tư du lịch vào khu vực bên ngoài di tích”-  ông Hồng thông tin. 

Liên quan đến việc lập quy hoạch cho Khu di tích văn hóa Mỹ Sơn trong giai đoạn tới, tại buổi làm việc với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và các sở, ngành liên quan mới đây, ông Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Việc lập quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2035, định hướng đến 2040 là rất cần thiết. Dù vậy, cũng cần phải làm rõ việc lập lại quy hoạch có mang tính cấp thiết hay không, khi đó mới có thể thuyết phục các cấp bộ ngành liên quan đồng ý. Ngoài ra, trước khi lập mới quy hoạch này, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và UBND huyện Duy Xuyên nên có báo cáo đánh giá những gì đã làm được cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch để tỉnh có cơ sở trình Bộ VH,TT&DL, trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch mới.

“Việc điều chỉnh dự án Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn tới sẽ giúp tiếp tục định hướng tổ chức quản lý, nhằm phát huy các giá trị của khu di tích, nhất là khai thác tiềm năng về dịch vụ du lịch, văn hóa với tư cách một nhân tố tác động tích cực trở lại phục vụ mục đích bảo tồn có hiệu quả Mỹ Sơn, qua đó góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiệu quả hơn”- ông Trần Văn Tân cho biết./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Vĩnh Lộc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực