Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ nhật, 18/03/2018 09:16
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề buổi Tọa đàm do Tạp chí Người Làm báo, Ban Nghiệp vụ và Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội Báo toàn quốc 2018.
Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” - ảnh: Huy Lê

“4.0”tác động mạnh mẽ tới báo chí và truyền thông

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”...

Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng 4.0 đã, đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. Để nắm bắt được xu thế mới này, rất cần những cuộc trao đổi, tọa đàm để giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng báo chí hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

TS. Trần Quang Diệu, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới báo chí và truyền thông; đồng thời làm xuất hiện nhiều xu thế như: video trực tuyến; sự kết hợp của các nền tảng dịnh vụ mạng xã hội; sự giao tiếp của con người dần thay đổi; thực tại ảo sẽ được tăng cường; cá nhân hóa; sự gia tăng của các người ảnh hưởng… Đối với “báo chí 4.0”, dễ dàng nhận ra có sự hội tụ của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, để đáp ứng xu thế mới này, các cơ quan chức năng, đơn vị báo chí cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; có môi trường pháp lý rộng mở; phát triển đến kinh tế báo chí truyền thông và an ninh truyền thông.

TS. Trần Quang Diệu cho biết, trong năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng một số chương trình đào tạo mới, trong đó có truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng, ngoài ra còn có báo điện tử, báo truyền hình chất lượng cao... “Chúng tôi cũng mời những chuyên gia, những nhà báo nổi tiếng tại Việt Nam, và một số nước đóng góp trực tiếp vào các môn học, tham gia xây dựng chương trình đào tạo” – TS. Trần Quang Diệu chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Nhận biết xu thế báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, chúng tôi phải xây dựng chương trình, bộ môn, có những bộ môn được tăng cường lượng đáng kể nắm bắt xu thế này. Đồng thời mời các chuyên gia giảng dạy, cập nhật kiến thức, phương pháp đào tạo cho các giảng viên.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hội Nhà báo Việt Nam cũng liên tục mở các lớp bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên để cập nhật kiến thức cũng như cách thức làm báo trong thời đại kỷ nguyên số cho đội ngũ các phóng viên, tòa soạn.

Nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ

Là người nhiều năm nghiên cứu về xu hướng báo chí và công nghệ trong báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, hiện nay khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ. Trong bối cảnh chúng ta đang trao đổi về tòa soạn hội tụ thì trên thế giới người ta nói nó đã lạc hậu rồi, ở nhiều nơi trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tác nghiệp.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, một nhà báo phải biết ít nhất ba kỹ năng để tác nghiệp và làm việc ở những nơi khó khăn: viết, chụp ảnh, quay video. Tuy nhiên, trong thời đại kỷ nguyên số, bên cạnh những kỹ năng tác nghiệp cơ bản, nhà báo cũng cần biết sử dụng đồ họa, biết làm thương hiệu bản thân, tương tác mạng xã hội, thậm chí biết cả lập trình…

“Hiện nay, rất ít nhà báo biết lập trình, tự thiết kế trang đơn giản. Do đó nhà báo phải đi học qua một mức độ nhất định, cách thức để nuôi dưỡng vị thế của mình trên mạng xã hội” – Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả xong đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan báo chí. Công nghệ cũng không thể thay đổi được cái tâm của người làm báo. Mỗi người làm báo có nhận định về một vấn đề theo cách riêng. Để làm tốt nhiệm vụ trong thời đại hiện nay, điều quan trọng, nhà báo phải luôn luôn giữ được cái tâm của người làm báo - là sự thật, công bằng và cân bằng. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực