Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới

Thứ ba, 13/11/2018 12:28
(ĐCSVN) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phát triển cả số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao; thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ lực thực hiện công tác tuyên truyền miệng của Đảng.

Ngày 15/10/2007, Ban Bí thư Trung ương (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Chỉ thị 17-CT/TW là cơ sở chính trị quan trọng để cấp ủy đảng các cấp tổ chức xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc
Trung ương tháng 10/2018. Ảnh: Tuấn Anh.

Triển khai Chỉ thị 17-CT/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 31-HD/BTGTW về xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp.  Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, hầu hết cấp ủy các cấp đã chú trọng, tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hằng năm và sau mỗi nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy đã tập trung rà soát, bổ sung, kiện toàn lực lượng báo cáo viên của cấp mình. 

Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã được tổ chức bài bản, quy củ, chặt chẽ thành một hệ thống từ Trung ương tới cơ sở, với cơ cấu tương đối hợp lý. Hiện nay, cả nước có 344 báo cáo viên cấp Trung ương; 3.945 báo cáo viên cấp tỉnh và tương đương; 39.107 báo cáo viên cấp huyện và tương đương; 179.094 tuyên truyền viên ở cơ sở.

Đại đa số báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, có năng lực, kiến thức chuyên môn, hiểu biết nghiệp vụ tuyên truyền miệng, trách nhiệm với công việc. Đa số các đồng chí có bề dày kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, công tác ở nhiều lĩnh vực (cấp ủy, chính quyền, đoàn thể). Trong xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên đã xuất hiện nhiều gương địa phương có kinh nghiệm hay, cách làm mới.

Nhiều ngành, địa phương đã tổ chức được đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp, hằng tháng báo cáo theo nội dung, kế hoạch hoặc chuyên đề cụ thể ở các quân khu, khu vực như: Quân ủy Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng... Ở tỉnh Lào Cai, nhiều năm đã triển khai thực hiện mô hình lồng ghép báo cáo viên cấp xã với lực lượng tuyên truyền viên dân vận cấp xã (báo cáo viên tuyên vận); hoặc mô hình đảng ủy viên của xã và bí thư chi bộ thôn là báo cáo viên, tuyên truyền viên của thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La...

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã dần được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đa số báo cáo viên các cấp hoàn thành nhiệm vụ, đóng vai trò hạt nhân trong triển khai công tác tuyên truyền miệng. Ở cả ba cấp (Trung ương, tỉnh, huyện), số báo cáo viên đạt chất lượng khá, giỏi tương đối cao (từ 85% trở lên), không có báo cáo viên yếu kém. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Không có sự đồng đều về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị giữa các vùng, miền, cũng như trên phạm vi toàn quốc. Hầu hết tuyên truyền viên cấp xã chưa được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ công tác Tuyên giáo, nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên, do đó hiệu quả, tính thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng chưa cao. Có địa phương còn nặng về cơ cấu, chưa ưu tiên lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất vào đội ngũ báo cáo viên…

Vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới, thiết nghĩ, đối với cấp ủy các cấp là phải tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng hợp lý về thành phần và cơ cấu, có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có khả năng tốt về tuyên truyền miệng. 

Ban Tuyên giáo Trung ương cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cập nhật, sửa đổi quy chế hoạt động báo cáo viên của cấp mình, đặc biệt coi trọng việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá (về nhận thức, về thái độ, về hành vi), kết hợp sự theo dõi, nhận xét của cấp ủy để làm cơ sở xem xét, thay thế những báo cáo viên không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ. Đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã, cần có sự quy định, điều chỉnh về số lượng phù hợp với quy mô, tính chất đặc thù và đặc điểm vùng, miền để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn ở cơ sở.

Các cấp ủy cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó, chú trọng việc cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng, cách giải quyết các tình huống trong công tác tuyên truyền miệng, nhất là kỹ năng đối thoại, tăng cường thông tin hai chiều.../.

Văn Tiến Bằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực