Họa sỹ Nguyễn Thu Huyền và giấc mơ về tranh ghép vải

Thứ năm, 13/12/2018 21:07
(ĐCSVN) - Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật tuy không còn mới nhưng rất ít họa sĩ theo đuổi và trụ được với nghề. Nghệ thuật tranh ghép vải cũng rất kén người thưởng lãm, có lẽ vì thế mà họa sỹ Nguyễn Thu Huyền đã mất tới mười năm ròng để tạo dựng và tìm cho mình một hướng đi riêng về tranh ghép vải.
Một trong những bức tranh tiêu biểu trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

 Tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) đang trưng bày 20 tác phẩm tranh ghép vải độc đáo của họa sỹ Nguyễn Thu Huyền sáng tác miệt mài trong 2 năm trở lại đây với chủ đề về phụ nữ.

Nguyễn Thu Huyền sinh năm 1988 tại Hưng Yên. Hiện cô là Thạc sỹ Mỹ thuật ứng dụng và đang giảng dạy tại một trường Đại học. Với niềm đam mê về tranh ghép vải, ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Thu Huyền đã tìm tòi, học làm những tác phẩm đầu tay từ các mảnh vải vụn. Và bức tranh ghép vải ấn tượng về phụ nữ các dân tộc đã được cô tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam, việc ghép vải để trở thành một tác phẩm mỹ thuật mang tính tạo hình cao, có tiếng nói riêng trong mỹ thuật thì chưa mấy họa sĩ làm được. Kể từ những bức tranh ghép vải của họa sĩ Trần Thanh Thục ra đời (thập niên 1970) với tư thế một tác phẩm hội họa thực thụ có chủ đề phong phú như phong cảnh, chân dung, tĩnh vật; tiếp theo đó, tranh ghép vải được một số nữ họa sĩ yêu thích học tập, tìm tòi và sáng tạo như Kim Dung, Thanh Hà, Nguyễn Thu Huyền...Trong số đó Nguyễn Thu Huyền là người trẻ tuổi nhất nhưng cô đã có những hướng đi mới cả về chất liệu và tạo hình, tạo nên một con đường sáng tạo nghệ thuật của riêng mình.

Thu Huyền đã tìm tòi, sáng tạo và sử dụng chất liệu như một ưu thế về sự kỳ công. Để đi một nét, với các chất liệu khác là một điều quá đơn giản với việc sử dụng bút lông. Nhưng để tạo hình khuôn mặt, các chi tiết rất nhỏ trong tranh ghép vải, cô phải đi bằng những sợi chỉ…đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo rất nhiều.

Nếu trước đây quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc hoa văn chất liệu sao cho hợp lý thì Huyền lại làm khác hẳn. Cô tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Cô chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình, không hề phụ thuộc vào mẫu hình có sẵn trên miếng vải. Cầu kỳ nhưng không phải thêu. Riêng biệt nhưng không phải vẽ. Nếu bút lông là phương tiện, màu là chất liệu thì với Huyền dùng kim là bút lông; chỉ, vải là chất liệu. Huyền nói cô có thể tạo hình với bất cứ chủ đề nào, từ đơn giản đến phức tạp, chỉ có là mất công nhiều hay mất công ít mà thôi.

Trong 10 năm qua, các chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt gia đình cô đều mạnh dạn thể hiện. Tạo hình không thiên về tả thực, cũng không quá thiên về khối, chúng mạnh ở sự hài hòa, hợp lý, giàu nhịp điệu với những gam màu pastel nhẹ nhàng, tình cảm, nữ tính. Thế mạnh của Huyền hiện nay là cô sử dụng linh hoạt các mảng màu. Chúng đẹp, lạ hơn bất cứ một loại chất liệu màu nào. Huyền là người có ý thức về tư duy tạo hình, về màu, cô miệt mài sáng tác, chăm chỉ học hỏi nên bước đầu cô đã thành công trong việc tạo một kiểu thức tạo hình mới cho tranh ghép vải…không thua kém một chất liệu nào.

Thu Huyền đã vẽ, đã gửi gắm, chia sẻ về giấc mơ của niềm đam mê cháy bỏng, khát khao tự nguyện đi trên con đường chông chênh độc hành vô tận. Đó là giấc mơ của người nghệ sĩ khi đã tìm thấy đầy đủ nhất mạch tư duy thẩm mỹ cho riêng mình, một cảm xúc viên mãn, gần gũi, trôi chảy trong nhịp điệu của thời gian./.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực