Hãy giữ lấy một nét “hồn quê” đất Tổ!

Thứ ba, 21/08/2018 14:50
(ĐCSVN) - Phú Thọ là miền quê trung du, nơi có rừng cọ đồi chè xanh thẳm uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát. Chẳng biết từ bao giờ, cây cọ bám rễ sâu nơi miền đất thân thương này và đi vào tâm hồn mỗi người dân đất Tổ.
Những đồi cọ bên cánh đồng lúa vùng trung du Phú Thọ. Ảnh: Thế Lượng

Từ bao đời nay, cây cọ đã trở thành biểu tượng cho sức sống của những con người cần cù, chất phác miền quê trung du đất Tổ. Cọ không chỉ hiện diện trong cuộc sống thường ngày, mà nó còn trở thành hình tượng đẹp đi vào thơ ca với "Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt" của nhà thơ Tố Hữu.

Trong mỗi chúng ta, từ người miền xuôi đến miền ngược hẳn có không ít người vẫn lắng đọng những câu hát, lời thơ dung dị, trong sáng được lấy cảm hứng từ cây cọ:                                                                     

                                                                    

"...Trường của em bé bé

 Nằm lặng giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì...

Cọ xoè ô che nắng

Râm mát đường em đi".

                         
(Đi học - Hoàng Minh Chính) 

Hay:

  "...Đã có ai dậy sớm

Nhìn lên rừng cọ tươi?

Lá xoè như tia nắng

Giống hệt như mặt trời.


Rừng cọ ơi, rừng cọ!

Lá đẹp, lá ngời ngời

Tôi yêu, thường vẫn gọi

Mặt trời xanh của tôi".

 

    (Mặt trời xanh của tôi - Nguyễn Viết Bình) 

 Cây cọ từ bao đời nay gắn bó sâu nặng với con người Phú Thọ. Vì thế nói đến vùng đất này là người ta nghĩ ngay đến xứ sở của cọ. Cảnh sắc đặc trưng ở miền quê thanh bình này là những căn nhà xinh xắn, bình dị ở ngay dưới tán cọ xanh rờn, lấp lóa. Mọc xung quanh nhà, những cây cọ tua tủa cành gai như những thanh kiếm vung lên trời xanh vậy. Để vào được nhà, người ta thường đi qua tán cọ xanh mát. Ngày xưa, người dân Phú Thọ lợp nhà bằng lá cọ, cả làng, nhà nào cũng lợp như thế. Những tàu lá cọ bánh tẻ mềm, dai, bện thành từng mái khin khít.

Mùa hè, nhà lá cọ mát rượi, mùa đông, mái cọ che mưa, che gió lạnh. Những mái nhà lá cọ, hình ảnh bình dị của quê hương Phú Thọ tự bao giờ. Trước ngõ, cây cọ già và vô số cọ con như tán ô che đầu cho những đứa trẻ quê từ những ngày thơ ấu cho đến khi lớn lên. Nhớ lắm cây cọ quê mình, ai đi đâu cũng nhớ về hình ảnh thân thương ấy để thấy ấm áp hình bóng quê hương luôn níu giữ tâm hồn mình. Những trưa hè không ngủ, lũ trẻ quê rủ nhau ra rừng cọ sau nhà mắc võng từ thân cọ, nằm vắt vẻo, cười khúc kha khúc khích như quên đi cả cái oi nồng mùa hạ. Chiều về, lùa đàn trâu lên đồi cọ thả rồi lại chơi ú tìm, chơi bịt mắt bắt dê ngay dưới tán cọ.

Về mùa cọ chín, những thớ quả béo ngậy ngọt bùi say đắm lòng người thưởng thức.
 Ảnh: Kim Chiến

Mùa quả cọ về, những trái cọ tím bầm căng bóng trên ngọn cao, ẩm thực vùng trung du lại có thêm một hương vị quen thuộc mà đậm đà khó quên. Quả cọ ỏm trong nồi nước sôi lăn tăn chừng mười lăm phút là chín. Quả cọ ỏm ăn mềm, béo ngậy, vàng ươm như quả trám đen vậy. Những bà mẹ nơi thôn quê còn khéo tay chọn những trái cọ ngon ở những cây cọ cao và già để làm món dưa cọ. Có lẽ chỉ ở vùng quê này, chỉ trong bàn tay của mẹ, trái cọ đã trở thành một món dưa vừa có vị chua chua, vừa bùi lại vừa béo ngậy.

Người dân quê Phú Thọ còn nắm cơm bằng lá cọ non. Nhìn thấy nắm cơm bọc lá cọ vừa thơm vừa dẻo, ai cũng biết đó là người trung du Phú Thọ rồi. Từ sáng sớm tinh mơ, trong làn khói chờn vờn nơi mái cọ, những bà mẹ vùng quê nghèo lại trở dậy nhóm bếp thổi cơm cho cả nhà rồi không quên nắm một nắm cơm nhỏ, đựng vào cặp sách cho con mang đến trường để ăn trưa cho đỡ đói. Ở vùng quê Phú Thọ thường có thói quen nắm cơm bằng lá cọ, bẹ cau non, vì thế, ngày nào mẹ cũng dùng lá cọ non hái trên đồi cọ sau nhà để nắm cơm. Mẹ chọn lá cọ bé, loại lá của những cây cọ non mới mọc vượt mặt đất chừng nửa mét, mang về, mẹ lau sạch bề mặt lá rồi hơ qua trên bếp lửa cho lá cọ mềm dẻo hơn để khi nắm cơm lá sẽ không bị rách.

Khi mở nắm cơm, một mùi thơm tỏa ra đến dễ chịu. Đó là mùi thơm của gạo quê hòa vào mùi đặc trưng của lá cọ, mùi vị mà chẳng cần nhìn vẫn nhận ra bởi thường ngày, lá cọ đã quá gần gũi thân quen với bọn trẻ miền trung du.


Những tán cọ xanh rì như "mặt trời cổ tích" thuở ban sơ trong mỗi con người đất Tổ.
Ảnh: Thế Lượng

Trong câu chuyện về tán cọ "hồn quê”, lớn lên thoát ly mỗi dịp về quê người dân đất Tổ cũng không khỏi chạnh lòng, bởi có một thực tế hiện nay là diện tích cây cọ càng ngày càng giảm, thay vào đó là các loài cây lấy gỗ, cây công nghiệp, cây ăn quả giống lai tạo…Cây cọ dần lép vế trước sự thay đổi của thế thời. Nhưng sắc màu bình dị mà thân thuộc gợi lên đặc trưng của vùng trung du thì không gì có thể thay thế được.

Ký ức sẽ còn sống mãi với người dân đất Tổ, kể cả sau này không còn một bóng cọ nào nữa. Đó là ký ức mỗi lần nhớ về làng quê trung du bình dị thân thuộc, nhớ về đồi cọ xanh trập trùng, những người con sinh ra và lớn lên nơi đây lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về nắm cơm của người mẹ trung du gói bằng lá cọ non mỗi buổi sáng sớm.

Và cuộc sống có thay đổi nhưng vẫn mãi còn đó, những đồi cọ xanh tốt, rợp tán bên mỗi con đường vào làng. Tán cọ chở che cho những con người ăn đời ở kiếp với nó, tán cọ xòe trong nỗi nhớ làng của những người con đi làm ăn xa quê. Và vẫn như thế, cây cọ từ bao đời nay là biểu tượng của cuộc sống thanh bình, yên ả của cuộc sống nơi đây. Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, xin hãy giữ lấy cây cọ như giữ lại một nét “hồn quê” miền trung du yêu dấu../.

Kim Chiến - Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực