Công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ ba, 25/10/2016 22:40
(ĐCSVN) - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: VH

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Ngọc Hà, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại cho biết, ngày nay, cụm từ "mạng xã hội" được nhắc tới thường xuyên trong đời sống xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự mở rộng không ngừng kết nối Internet và Internet không dây (WiFi), sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh đã tạo tiền đề cho mạng xã hội bùng nổ, trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có 3,17 tỷ người sử dụng mạng Internet thì có 2,3 tỷ người sử dụng mạng xã hội, chiếm tới hơn 70%. Mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin, một cách thức giao tiếp mới trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi người, mọi thông tin đều được phổ biến, chia sẻ, tương tác, cập nhật mà không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian với mức chi phí thấp.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng hơn 30 triệu người sử dụng Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam chứng kiến sự ra đời và lớn mạnh của một loạt các trang mạng xã hội. Nhóm người sử dụng nhiều nhất là nhóm người trẻ với độ tuổi từ 18 – 49. Tốc độ gia tăng người sử dụng mạng xã hội ở nước ta thuộc hạng cao trong khu vực (hiện xếp thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Trong bối cảnh đó, việc đánh giá đúng vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động tuyên truyền, mà cụ thể, đối với công tác thông tin đối ngoại là một trong những vấn đề quan trọng, đáng quan tâm. Sự phát triển của mạng xã hội vừa là thách thức và cũng là cơ hội. Nắm bắt và tận dụng được ưu thế của mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đồng thời, hiểu rõ vai trò của mạng xã hội trong truyền thông hiện đại có ý nghĩa nhiều mặt trong việc hình thành lối tư duy mới và có những điều chỉnh phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến về chủ đề “Công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam”. Cụ thể, đó là các tham luận: Công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở nước ta; Sử dụng mạng xã hội trong công tác thông tin đối ngoại; Cơ hội, thách thức trong việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác thông tin đối ngoại...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định: Thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, nhất là sau khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020", công tác thông tin đối ngoại đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần tạo môi trường, điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi để giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hiện nay, công tác thông tin đối ngoại đang có nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề mới, khó dự báo. Tình hình trong nước cũng có những cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Các thế lực xấu đang quyết liệt đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó đặc biệt chú trọng sử dụng mạng xã hội.

Đồng chí Phạm Văn Linh cho rằng, Hội thảo khoa học về "Công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam" là bước khởi đầu cần thiết trong việc phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý và nghiên cứu nhằm xác định rõ vai trò của mạng xã hội trong đời sống chính trị, xã hội hiện nay, trong công tác thông tin, tuyên truyền nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng.

Trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Linh đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm những đặc điểm của mạng xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra những nhóm giải pháp nhằm phát huy ưu thế và hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong tình hình mới theo tinh thần Kết luận 16 của Bộ Chính trị khóa XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020"./.

 

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực