Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu

Thứ hai, 13/05/2019 21:29
(ĐCSVN) - Đây là chủ đề Diễn đàn 3 tại Hội thảo quốc tế Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) ngày 13/5.

Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững

Quang cảnh tại hội thảo Diễn đàn “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu”.

Trên tinh thần kiến hoà đồng giải, hai phiên hội thảo kết thúc với 10 bài thuyết trình trong tổng số 77 bài tham luận. Các chủ đề mang tính cấp thiết về nền tảng đạo đức toàn cầu, hàm chứa nội dung thiết thực đưa ra hướng giáo dục, kết hợp đạo đức Phật giáo đang được xem là cách hoàn hảo nhất trong giáo dục toàn diện cho xã hội hiện nay.

Mỗi bài thuyết trình, tham luận của các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả và nhà nghiên cứu đều đưa ra các nhận định, chính kiến riêng, đồng thời kiến nghị các giải pháp về giáo dục, đạo đức dưới hướng tiếp cận của Phật giáo từ nhiều góc độ.

Một số ý kiến phân tích đã làm nổi bật về sự phân hoá đa dạng trong quan điểm giáo dục về đạo đức của từng quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, nên cần có tiêu chuẩn giáo dục đó là “lòng từ, chánh niệm”. Chính vì không chánh niệm nên dẫn đến những khủng hoảng về đạo đức.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Đồng thời, để đưa ra phương pháp giáo dục, theo các học giả, nhà nghiên cứu, không gì khác là phải giáo dục từ “trái tim đến tâm trí”. Vì thế, tầm quan trọng của giáo dục đạo đức ngày nay cần vận dụng những giáo lý đạo Phật để tái cấu trúc tư duy, thông qua đó đánh giá các mối quan hệ giữa các cộng đồng trong xã hội, trách nhiệm của Phật giáo nói chung và người Phật tử nói riêng.

Tại Diễn đàn, các thảo luận đã đưa ra hướng nhìn về giáo dục, đó là sự tương tác giữa trình độ và tư duy, để thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân. Bên cạnh đó, để giải quyết những vấn nạn đang báo động về đạo đức, chính là sự “nuôi dưỡng” những thói quen cơ bản được gọi là “lòng tốt toàn cầu” hay lòng “từ bi” cho giới trẻ, vì họ là đối tượng trở thành công dân toàn cầu trong tương lai và sẽ mang lại hòa bình thực sự cho thế giới.

Hội thảo “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu” là cơ hội quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục hướng đến đạo đức toàn cầu, vì đây chính là con đường tỉnh thức mang tính thực tiễn, được đức Phật chỉ dẫn giúp từng cá nhân tự chuyển hoá tư duy trong chính niệm cùng tương tác với xã hội, tạo nên cuộc sống an lạc hạnh phúc./.

Tin, ảnh: Trần Sơn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực