Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam

Thứ tư, 22/08/2018 11:27
(ĐCSVN) - Mặc dù 73 năm đã trôi qua nhưng vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Lễ độc lập 2/9/1945 vẫn còn nguyên giá trị. Để hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử của sự kiện trọng đại này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Nhà sử học Dương Trung Quốc.

              

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: K.T)

PV: Để thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc, xin ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân, quá trình dẫn đến cuộc cách mạng này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: 73 năm là khoảng thời gian dài, thế hệ những người tham dự vào cuộc cách mạng lịch sử Tháng Tám năm 1945 đến nay không mấy người còn sống. Chúng ta còn đây bác Vũ Oanh, Nguyễn Văn Chân…Một số người dân tham gia vào Cách mạng Tháng Tám đến nay cũng phải ngót trăm tuổi  rồi, cho nên cái còn đọng lại chính là trong lịch sử. Thời gian cũng giúp cho lịch sử thêm rõ và chân xác hơn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của cả một quá trình. Mục tiêu chính của Cách mạng Tháng Tám là giành độc lập dân tộc. Như vậy mục tiêu độc lập dân tộc cũng là cả một quá trình vận động của dân tộc và trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách để gìn giữ nó.

Cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Trước khi có Đảng Cộng sản, trước khi Bác Hồ lãnh đạo cách mạng, đã có thế hệ những nghĩa sĩ Cần Vương và rất nhiều phong trào yêu nước, dù cuối cùng đều không thành công. Đảng Cộng sản Đông Dương mà sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam vinh dự là người kế thừa, biến ước mơ, khát vọng của người Việt Nam, của dân tộc thành công mà biểu  tượng của nó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vì sao Cách mạng Tháng Tám thành công? Vì Đảng đã có cả một quá trình, xây dựng được cả một đường lối đúng đắn thể hiện qua chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!” coi đó là một cơ hội. Trong thời gian rất ngắn với diễn biến rất nhanh, Hà Nội giành chiến thắng vào 19/8 thì 23/8 Huế giành được chính quyền và 25/8 giải phóng Sài Gòn. 3 nơi quan trọng nhất, là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, chính quyền đã về tay nhân dân. Nhiều nơi họ tự hành động khi họ thấy thời cơ đến, tiêu biểu nhất là Hà Nội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng  và Bác Hồ, Cách mạng Tháng Tám thành công và rất trọn vẹn. Chính vì sự sáng suốt, nhạy bén và tinh thần đại đoàn kết cao đã tạo ra toàn bộ diễn biến Cách mạng Tháng Tám, khiến cho Cách mạng ít đổ máu và diễn ra rất nhanh chóng nhưng triệt để chỉ trong vòng 1 tuần.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra hết sức triệt để vì không chỉ giành lại độc lập dân tộc, chấm dứt chế độ đô hộ của Đế quốc Pháp và Phát xít Nhật mà quan trọng nó còn chấm dứt luôn cả chế độ phong kiến quân chủ tồn tại mấy ngàn năm.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra hết sức ôn hòa nhìn từ bề ngoài và hết sức triệt để nhìn từ bên trong. Đây chính là đặc điểm của Cách mạng Tháng Tám. Và từ cuộc cách mạng đặt ra câu hỏi là chúng ta học được những gì từ cuộc cách mạng này? Dù diễn ra từ rất lâu, 73 năm, nhưng bài học cốt lõi của Cách mạng Tháng Tám vẫn nguyên vẹn. Đó là bài học về sự sáng suốt trong chiến lược và sự nhạy bén để nắm bắt thời cơ phát triển. Thời cơ không chỉ hiểu theo nghĩa là lật đổ cái này để xây dựng cái khác mà ngay trong thời bình cũng phải biết nắm bắt được thời cơ để phát triển đất nước. Phải có đường lối đúng, sáng suốt mới có thể ứng xử được với mọi diễn biến trong cuộc sống, nhất là thế giới hiện nay đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

PV:  Với tư cách là một nhà sử học, xin ông một lần nữa nhắc lại ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cách mạng tháng Tám đã chấm dứt được gần một thế kỷ chúng ta là thuộc địa của Pháp và Nhật, chấm dứt cả hai ngàn năm chế độ quân chủ. Như vậy, Cách mạng Tháng Tám chúng ta làm cả hai nhiệm vụ cùng một lúc là phản đế và phản phong, giành được độc lập và định hướng cho chúng ta xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chế độ dân chủ cộng hòa được xác lập, lần đầu tiên người phụ nữ có quyền đi bầu cử, tham gia vào quốc hội…Lúc đó nhiều nước châu Âu cũng chưa có chuyện này. Tuy nhiên, Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới cũng là thử thách mới, chúng ta có tiếp tục vượt qua được thử thách tiếp theo không? Vì cách mạng là cả một quá trình liên tục. Thử thách của cuộc chiến tranh giữ nước chúng ta đã vượt qua được mặc dù đã hy sinh rất nhiều xương máu. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 30 năm... Những thử thách đó chúng ta vượt qua được trên những nền tảng rất cơ bản của Cách mạng Tháng Tám đó là nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời, khẳng định chế độ dân chủ cộng hòa được thành lập. Đi cùng với nó là rất nhiều văn bản pháp luật cảnh báo những cái có thể nảy sinh, đúng cho đến cả ngày hôm nay như: Tham nhũng, bệnh quan liêu... Vì vậy một trong những Sắc lệnh đầu tiên Bác Hồ ký khi đã trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành lập cơ quan thanh tra nhà nước. Ra đời một chính quyền mới, một nhà nước mới bao giờ cũng sẽ tồn tại những tàn dư, rơi rớt của chế độ cũ. Vì vậy ngay từ khi thành lập đất nước Bác đã sáng suốt thành lập cơ quan thanh tra để thanh lọc, làm trong sạch đội ngũ cán bộ…

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bắt tay vào xây dựng chế độ mới, Bác Hồ cũng thấy được việc cần thiết để tổ chức một Lễ Độc lập, công bố với toàn thế giới nước ta là một nước độc lập. Lễ độc lập quan trọng này đã được Bác giao cho ông Nguyễn Hữu Đang, một nhà hoạt động xã hội rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Lúc đó ông Nguyễn Hữu Đang mới 24 tuổi, được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy trong điều kiện vô cùng khó khăn, tổ chức thành công Lễ độc lập chỉ trong vòng 4 ngày ngay sau khi đất nước đang hoang tàn, đổ nát vì chiến tranh.

Kinh tế không có nhưng lúc đó do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp với lòng dân nên khi kêu gọi người dân sẵn sàng đóng góp, ai có gì góp nấy, họ không cần ghi chép, tuyên dương hay đòi hỏi công trạng. Nhờ có những tấm lòng như vậy mà Lễ độc lập 2/9/1945 đã  được tổ chức thành công, tập hợp được hàng chục vạn người ở quảng trường Ba Đình.

Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòaBản Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ đọc năm 1945 cùng với hiến pháp đã thể hiện rất rõ tinh thần hội nhập với một thế giới hiện đại, thể hiện ở chỗ những người cộng sản, những người lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám gắn bó với lực lượng đồng minh, gắn bó với sự tiến bộ xã hội và sự lựa chọn chế độ xã hội cũng vậy. Và điều quan trọng nhất đến bây giờ vẫn phải học tập chính là tính dân chủ của Nhà nước dân chủ cộng hòa mà Bác thành lập năm 1945. 

PV: Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là biểu tượng, là niềm tự hào của dân tộc. Vậy theo ông thế hệ trẻ ngày nay phải làm gì để xứng đáng và phát huy truyền thống vẻ vang ấy?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lịch sử không phải là tấm gương để trước mặt mà lịch sử chỉ là tấm gương chiếu hậu. Vì nếu để trước mặt thì đỉnh cao không phải ở phía trước mà là ở sau lưng mình. Các cụ đã nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”, vì thế ngày nay chúng ta phải làm được những điều hơn những gì cha ông chúng ta đã làm được mới đáng tự hào. Muốn làm được như vậy, theo tôi trước tiên chúng ta phải có một cách nhìn chân thực về lịch sử mới có thể vững vàng tiến lên phía trước. Đây có lẽ cũng là trách nhiệm của giới sử học, của những nhà làm truyền thông làm sao phải để công chúng thấy được tấm gương sáng về Cách mạng Tháng Tám được tạo nên từ lịch sử thực sự chân thực./.

Kim Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực