Bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống- chiến lược ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc

Thứ sáu, 14/09/2018 23:21
(ĐCSVN)- Trong nhiều thập kỷ gần đây, việc bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống hướng tới mục tiêu duy trì văn hoá sinh hoạt truyền thống nhằm xây dựng tinh thần dân tộc đã thể hiện nhất quán từ quan điểm, chiến lược, thể chế, đầu tư ngân sách của chính phủ và đặc biệt là hành động tự giác của người dân xứ sở kim chi.

Đó là những thu hoạch ban đầu của Đoàn công tác  Ban Tuyên  giáo  Trung ương, do Phó Trưởng ban Bùi Trường Giang làm Trưởng đoàn, nghiên  cứu, khảo sát tại Hàn Quốc, trong  khuôn khổ Đề  án 165, từ ngày từ 1- 15/9/2018.

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Bùi Trường Giang làm việc với Viện Văn hoá phi vật thể. Ảnh Đức Anh

 

Đoàn  công tác đã được các  giáo sư, nhà khoa học văn hoá truyền  thống  hàng đầu của Hàn quốc giới thiệu nhiều chuyên  đề  bổ ích, thiết  thực với Việt Nam. Đó là các  chuyên  đề: Sự hình thành và  phát triển văn  hoá truyền thống; chính sách gìn giữ và phát triển  văn  hoá của Chính phủ Hàn quốc; kinh nghiệm bảo  tồn di sản văn hoá truyền  thống; tuyên truyền và giáo  dục văn hoá truyền  thống; kinh nghiệm phát triển  du lịch gắn với tuyên truyền văn hoá truyền  thống...

Phó Trưởng  ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Trường Đại học Văn hoá Truyền thống. Ảnh Đức  Anh

 

Cùng với  nghiên  cứu lý luận, quan điểm, chủ trương, chính sách từ các  chuyên  gia, Đoàn công tác đã được các nhà khoa học, nhà  quản lý hàng đầu Hàn Quốc giới thiệu thực tế kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hoá vật thể, phi vật thể tại nhiều cơ quan như: Viện bảo tàng Quốc  gia; cung điện văn hoá truyền thống Hàn quốc; viện bảo tàng lịch sử Hàn Quốc; bảo tàng  lịch  sử Seoul; đại học văn hoá truyền thống; và trường trung học phổ  thông  công  lập nghệ thuật truyền thống quốc gia...

Qua nghiên cứu, khảo  sát cho thấy,  việc bảo  tồn và phát triển văn hoá truyền thống được chính phủ Hàn Quốc đặc biệt coi trọng. Điều này cũng được thể  hiện nhất  quán từ quan điểm, chiến lược  của chính phủ đến việc cụ thể hoá bằng hiến pháp, các bộ luật, pháp lệnh chuyên ngành. Hiến pháp Hàn Quốc (1987), tại Điều 9 nêu rõ: “Nhà  nước sẽ nỗ lực để kế thừa, phát huy văn hoá truyền  thống và  phát triển văn hoá dân tộc”. Trong đó, rất đáng chú ý là các luật chuyên biệt về bảo vệ văn hoá truyền  thống: Luật cơ bản về văn hoá sửa đổi 2017, Điều 1 nêu rõ: “mục đích của luật này nhằm xác định quyền của người dân cũng như trách nhiệm của chính phủ và chính quyền địa phương về văn hoá. Quy định các điều, khoản cơ bản cần thiết đề ra phương hướng và thúc đẩy các chính sách văn hoá, thông qua đó nâng cao giá trị, vị trí của văn hoá, phát  huy vai trò của văn hoá trong việc cải thiện chất lượng đời sống và phát triển xã hội”; Luật bảo  vệ  di sản văn  hoá  sửa đổi (2018), trong Điều 1 nêu rõ: Mục đích của điều luật này là nhằm thúc đẩy văn hoá của nhân dân, tiếp thu, phát triển văn hoá nhân loại,bảo tồn di sản  văn hoá truyền thống, kế thừa, sử dụng văn hoá dân tộc”; Luật bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể sửa đổi (2018), tại Điều 1 quy định: “Mục đích của điều luật này là quy định các  vấn đề liên quan đến bảo  tồn và quảng bá di sản văn hoá phi vật thể và thực hiện chúng”...

Ngoài ra, để cụ thể hơn hiến pháp, các  bộ luật chuyên ngành về văn hoá truyền thống, Hàn Quốc còn ban hành các  luật chuyên biệt, hẹp hơn: Luật đại học văn hoá truyền thống; Luật công nghiệp văn hoá; luật quảng bá văn hoá nghệ thuật; Luật quảng bá văn hoá tinh thần nhân văn và nhân văn  học; Luật quảng bá võ thuật truyền  thống; Luật về các  ngôi chùa  truyền thống...

Tư tưởng chấn  hưng văn hoá truyền  thống, nhằm mục tiêu xây dựng tinh thần dân tộc  của Hàn Quốc là phát triển văn hoá nhưng phải gìn giữ bản sắc dân  tộc.

Dạy múa ở Seoul. Ảnh Đức Anh

Giáo sư Choi Jong Ho, nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống  nổi tiếng Hàn Quốc khẳng định tư tưởng bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống là: “làm quen cái cũ, học cái mới", "lấy cái cũ làm nền tảng xây dựng cái mới"; "đi vào bằng cái cũ, đi ra bằng cái mới”; "kế thừa và phát huy sáng tạo văn hoá truyền thống”.

Với tư duy ấy, Hàn Quốc đặc biệt chú  trọng bảo tồn,  gìn giữ, kết hợp với phát triển  văn hoá truyền thống cho phù hợp với xu thế phát triển văn hoá nhân loại. Quan điểm bào tồn nhưng không phải gìn giữ tất cả, có thể loạt bỏ những hủ tục truyền  thống không còn phù hợp. Luật công nghiệp văn hoá (2017) quy định rõ tại Điều 1: “...hỗ trợ, nuôi dưỡng nền công nghiệp văn hoá. Xây dựng nền tảng và nâng cao tính cạnh tranh cho quá trình phát triển công nghiệp văn hoá, thông qua  đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cho người dân và phát triển  kinh tế đất nước”.

Các học viên tại giảng đường, Đại học Sangmyung. Ảnh Thanh Lâm

 

Để bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống, Hàn Quốc đặc biệt coi trọng tuyên  truyền, giáo  dục , kết hợp với cổ động trực quan văn hoá truyền thống cho các  giai tầng xã hội, nhất là giới trẻ. Từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc tổ chức mỗi năm hai lần “ngày bảo vệ di sản văn hoá” và từ tháng 7/2009, phát động phong trào “thanh thiếu niên bảo vệ di sản văn hoá”.

Hiện nay, chuyên mục quảng bá văn hoá truyền thống được quy định tuyên truyền bắt buộc trên các phương  tiện thông tin đại chúng, nhất là các kênh truyền hình, báo điện tử. Nhà nước quy định hệ thống  các bảo tàng miễn phí cho tất cả du khách vào tham quan; số lượng tiết học văn hoá truyền thống ở các cấp học. Vì vậy, các trường học thường xuyên tổ chức các tiết học cho các em học sinh tham quan và trải nghiệm văn hoá truyền thống trực tiếp tại các bảo tàng. Điều dễ cảm nhận được là đến bất kỳ bảo tàng nào  cũng thấy rất đông các em nhỏ từ các lớp mẫu giáo đến phổ thông trung  học say mê tìm hiểu văn hoá truyền thống.

Tại buổi bế mạc, kết thúc đợt công tác, trao đổi với Hiệu trưởng, các giáo sư, giảng viên Trường Đại học Sangmyung và các học viên của Đoàn công tác, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang nhấn mạnh: Những kết quả, thu hoạch và kinh nghiệm bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống Hàn Quốc rất bổ ích, có những nét đặc thù và tương đồng với văn hoá một số nước trong khu vực. Những cách làm và kinh nghiệm quý đó cần được các học viên theo các cương vị công tác của mình có thể tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo vận dụng những khía cạnh hợp lý vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Đức Anh từ Seoul, Hàn Quốc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực