Thiên tai: Phòng quan trọng hơn chống!

Thứ hai, 05/08/2019 10:26
(ĐCSVN) - Bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, đặt ra những vấn đề lớn trong công tác phòng, chống thiên tai; cụ thể là phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm người mất tích dọc sông Luồng ở huyện Quan Sơn.
(Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Bão số 3 đã gây ra mưa lớn, lũ quét ở nhiều địa phương, trong đó Thanh Hoá là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất. Tính đến 19 giờ tối 4/8, tại tỉnh Thanh Hóa đã có  3 người chết , 12 người mất tích, 59 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 65 ngôi nhà khác bị thiệt hại nặng, 907 nhà bị ngập khiến 16 hộ phải di dời khẩn cấp và 1.154 hộ phải sơ tán.

Tang thương bao trùm lên những cộng đồng, nhiều gia đình vừa mất người thân, vừa mất sạch nhà cửa, tài sản chỉ sau một trận lũ.

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) là nơi đau thương nhất, mặc dù một số người đã được giải cứu, nhưng vẫn còn nhiều người vẫn đang mất tích. Do cách đường ô tô 3 km, bản Sa Ná bị ngăn cách bởi sông Luồng, đường sá bị phá hủy nên việc mang lương thực, thuốc men đến cho bà con Na Sá bị cô lập, vô cùng gian khổ. Vì vậy, chính quyền đã huy động đến gần 1000 người tham gia cứu hộ, hạn chế thấp nhất tổn thất, đặc biệt là tổn thất về người và tài sản. Hiện đoàn cứu hộ tiếp tục tìm kiếm người mất tích; thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt.

Bão tan, mưa lũ chấm dứt. Việc giúp bà con bị mất nhà cửa, tài sản, mất người thân tạo dựng lại cuộc sống là một vấn đề đặt ra cho các địa phương một cách cấp bách. Bên cạnh nguồn lực và sự quan tâm của chính quyền, cần phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, truyền thống “thương người như thể thương thân” để giúp đồng bào bị nạn sớm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, về lâu dài, để hạn chế tổn thất do lũ ống, lũ quét, sạt lở núi ở các tỉnh vùng cao thì phòng quan trọng hơn chống, ngăn ngừa tốt hơn khắc phục hậu quả. Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết ngày càng cực đoan…, các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại lớn khi gặp thiên tai còn do sinh kế của người dân gắn với các vùng đất ven sông, suối, trên sườn đất dốc; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai còn yếu kém…

Do đó, biện pháp các địa phương cần quan tâm là tập trung nguồn lực để giải quyết một cách căn cơ việc di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, phải tạo thuận lợi về điều kiện sinh hoạt, sản xuất tốt hơn nơi ở cũ để bà con đồng tình di chuyển theo chủ trương của địa phương. Tuyệt đối không làm qua quýt, kiểu “mang con bỏ chợ” khiến người dân quay lại nơi ở cũ.

Các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất  như đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định.

Mặt khác phải tổ chức có hiệu quả việc khơi thông dòng chảy, mở rộng diện tích rừng trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ đất, ngăn lũ. Phá rừng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Các địa phương cũng cần được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn để hoạt động này nhanh chóng hơn, an toàn và hiệu quả hơn.

Một giải pháp khác cần tiến hành đồng bộ là xây dựng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc, trong đó tập trung chính vào việc nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; xây dựng thí điểm lắp đặt cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó là thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; huy động các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia phòng, chống thiên tai.

Thiên tai, lũ ống, lũ quét và sạt lở gây tổn thất đến sinh mạng con người, đến tài sản, đến sinh kế của người dân nên phòng, chống thiên tai phải là một ưu tiên hàng đầu ở các tỉnh có nguy cơ cao và thực tế đã xảy ra nhiều trong những năm qua. Lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm sâu sát có thể nói là một tội ác!

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực