Kon Tum: Cần nhiều giải pháp để nâng cao thể chất, sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thứ tư, 11/12/2019 15:59
(ĐCSVN) - Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra 12 chỉ tiêu về y tế, thì chắc chắn đạt 7 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu không đạt, gồm tỷ lệ tăng dân số, tuổi thọ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi.

Bài toán khó trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Lý giải về những hạn chế trên, ông Đào Quang Khánh cho rằng, hầu hết các chỉ tiêu y tế không đạt có nguyên nhân sâu xa là do bà con dân tộc thiểu số (DTTS) rất nghèo, quá khó khăn về kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, có chất lượng sống thấp, lại đông con. Bà con DTTS nơi đây vẫn duy trì nhiều tập tục lạc hậu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, kinh tế khó khăn, họ có thói quen đưa con nhỏ lên rẫy, ăn uống tạm bợ, thiếu dinh dưỡng. Về tai biến sản khoa, năm 2019 tỉnh chưa có trường hợp tử vong nào, nhưng năm 2018 có tới 2 trường hợp tử vong mẹ. Cả 2 trường hợp này đều là người dân tộc thiểu số.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Đào Quang Khánh và các bác sĩ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum trao đổi với phóng viên 

Giải thích cụ thể về những khó khăn trên, bà Trương Thị Nhàn, Phó Trưởng Khoa dinh dưỡng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh hiện có số trẻ suy dinh dưỡng khoảng 20%, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà chiếm tới 20% trong 9 tháng đầu năm 2019, chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, có tới trên 1.000 trường hợp bà mẹ khi sinh không được cán bộ có chuyên môn chăm sóc. Tỷ lệ phụ nữ có thai đi khám định kỳ cũng rất thấp (48,9%). Mặc dù tỉnh có đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn chị em về chế độ dinh dưỡng và cách cải thiện dinh dưỡng cho mẹ và bé, khám thai định kỳ khi có thai, nhưng do thói quen ăn uống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng thấp, tập tục sinh con tại nhà nên hiệu quả tuyên truyền không cao. “Nhiều khi thấy những đám rau ngót, rau muống bỏ già, mình hỏi bà con sao không hái nấu canh, họ nói, cán bộ cũng bảo ăn được, nhưng mình quen ăn lá sắn rồi”.

leftcenterrightdel
Tranh thủ những chuyến công tác, bác sĩ Dương Ngọc Mộng Thường (áo vàng) xuống nhà dân hướng dẫn cách chăm sóc mẹ và bé.

Bác sĩ Dương Ngọc Mộng Thường, Trưởng Khoa Sản Trung tâm y tế huyện Tu Mơ Rông cho biết, bà con dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu sinh con tại nhà do phong tục, hơn nữa, đường lên trung tâm y tế xã, huyện xa, khó đi. Chỉ khi gặp tai biến sản khoa họ mới chấp nhận đến y tế xã, huyện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp để tránh nguy hiểm đến tính mạng sản phụ, cán bộ y tế tuyến huyện phải xuống tận nơi trợ giúp.

Cần những giải pháp khả thi

Nhằm giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tai biến sản khoa, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sống như: khuyến khích bà con phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống. Trong lĩnh vực y tế, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp về sức khỏe, trong đó đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, truyền thông, tư vấn, giáo dục kiến thức về dân số/kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản,  phòng chống suy dinh dưỡng; triển khai kế hoạch “Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý Y học gia đình trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020”.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước và sơ sinh; triển khai có hiệu quả các đợt bổ sung vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ; kiện toàn và duy trì tốt hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS tại tuyến huyện; triển khai nhân rộng mô hình Cộng đồng tự quản vệ vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích hướng tới xây dựng Làng sức khỏe trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, Chương trình sữa học đường là một trong những giải pháp khá hiệu quả trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Trong năm 2018-2019, tỉnh đã triển khai Chương trình tại 20 trường mầm non và tiểu học tại 10 xã tại 6 huyện khó khăn cho khoảng 6000 trẻ. Ngân sách địa phương và Công ty sữa hỗ trợ 90% giá trị sữa, gia đình trẻ đóng góp 10%. Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các điểm triển khai giảm 3,55%. Đây là những con số rất đáng mừng. Ông Khánh cho biết, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình sữa học đường, trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp tiếp tục triển khai và nhân rộng trên toàn tỉnh cho giai đoạn tiếp theo.

leftcenterrightdel
Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy hướng dẫn chị em thôn 1 cách bổ sung dinh dưỡng cho gia đình.

Về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, mô hình Câu lạc bộ phát triển trẻ thơ toàn diện ở 9 xã cũng là một giải pháp hữu hiệu. Tại các câu lạc bộ này, nhiều bà mẹ đã thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, biết tự chăm sóc thai nghén, biết chọn thực phẩm đủ chất dinh dưỡng cho con ăn biết cho con ăn đủ 4 nhóm chất trong 1 bữa ăn…

Tuy nhiên, ông Khánh cũng chia sẻ “Bằng nội lực rất khó. Tôi mong muốn Bộ Y tế, Bộ Tài chính có những chính sách đặc thù về sử dụng nguồn kinh phí cho những tỉnh khó khăn về điều kiện như Kon Tum để triển khai các hoạt động CSSK bà mẹ trẻ em nói riêng, CSSK nhân dân nói chung. Các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong mẹ tử vong trẻ em cũng như nâng cao thể chất và tinh thần cho bà mẹ và trẻ em nơi đây. Bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, tôi hy vọng Kon Tum sớm giải quyết bài toán khó mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra”./.

Thương Huyền
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực