Đồng bằng sông Hồng về đích với chương trình nông thôn mới

Thứ tư, 21/08/2019 19:23
(ĐCSVN) - Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã có những chuyển biến tích cực.

Diện mạo mới

Diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng ĐBSH, sau 09 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn; các công trình hạ tầng cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn.

Với điều kiện địa hình bằng phẳng và trải rộng, đồng thời đã có nền tảng phát triển từ rất sớm nên cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSH không ngừng được hoàn thiện, hầu hết các xã đã cơ bản đạt và vượt hơn nhiều so với yêu cầu của chuẩn tiêu chí.


Ảnh minh hoạ. (Ảnh: H.M)

Hệ thống đường cao tốc từ Hà Nội tỏa ra các tỉnh, kết nối với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện khá hiện đại và đồng bộ, góp phần thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng. Các tuyến đường nông thôn không chỉ được nâng cấp bề mặt, mà còn có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông,….

Ở hầu hết các xã trong vùng đều đã hình thành các tuyến đường trồng hoa, trồng cây xanh, vừa góp phần tạo cảnh quan xanh, đẹp, vừa góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước khắc phục tình trạng xả rác ra đường.

Các yêu cầu về hạ tầng, như: hệ thống điện, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư,… ở các xã đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn. Ở nhiều địa phương, trường học không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản về dạy học, mà đã chú trọng đến bổ sung trang thiết bị để giúp nâng cao thể lực, kỹ năng cho học sinh; nhà văn hóa thôn, xóm đã cơ bản được trang bị đầy đủ các thiết chế, thực sự là nơi sinh hoạt chung của nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều tỉnh, thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,…) đã thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa trong xây dựng và vận hành nhà văn hóa xã, thôn, hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, trạm y tế… 

Vùng ĐBSH là một trong 2 vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp từ điều kiện tự nhiên đến nền tảng phát triển từ lâu đời và truyền thống canh tác nông nghiệp.

Đáng chú ý, các tỉnh xung quanh Hà Nội đã hình thành nhiều đô thị vệ tinh, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ven đô để cung cấp sản phẩm cho Thủ đô và các vùng đô thị lân cận. Nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa, rau màu, cây ăn quả và các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao (Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên,…); nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đã tạo được thương hiệu, uy tín đối với thị trường trong nước và quốc tế, như: nhãn lồng Hưng Yên, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai (Hà Nội), dứa (Ninh Bình), hành, tỏi (Hải Dương, Hà Nam),...

Hầu hết các tỉnh vùng ĐBSH (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình,…) đi đầu cả nước trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: vùng trồng cà rốt ở Gia Bình rộng 700 ha và vùng trồng khoai tây ở Quế Võ rộng gần 1.500 ha (Bắc Ninh); vùng trồng cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) rộng trên 500 ha, vùng trồng hành, tỏi tại Kinh Môn (Hải Dương) rộng trên 3.000 ha; vùng trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) rộng trên 250 ha,…

Trong chăn nuôi, các tỉnh vùng ĐBSH cũng đi đầu cả nước về việc từng bước giảm mạnh chăn nuôi quy mô hộ, hình thành nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhất là chăn nuôi gà và lợn (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam); bò sữa (Hà Nam, Hà Nội); trong nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển đã và đang phát huy tốt lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, hình thành nhiều vùng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, như: vùng nuôi cá vược, tôm công nghệ cao ở Hải Phòng; vùng nuôi ngao giống và thương phẩm chất lượng cao ở Thái Bình, Nam Định; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới ở Kim Sơn, Ninh Bình,…

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, hộ dân chủ động nghiên cứu, áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi cá bằng phương pháp sống trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại nhiều tỉnh; mô hình lúa - rươi ở Quảng Ninh; mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở Bắc Ninh; mô hình nuôi tôm trong bể tại Nam Định,…

Nhiều tỉnh, thành (Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam,…) đã tạo cơ chế, huy động nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản ở nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, như: Doanh nghiệp Đồng Giao chế biến hoa quả (Ninh Bình), Doanh nghiệp Toản Xuân chế biến lúa (Nam Định),…

Trong thời gian qua, các tỉnh vùng ĐBSH đã chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư, qua đó đã hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn (trong đó điển hình là mô hình trồng rau sạch của VinEco tại Nam Định). Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở vùng ĐBSH ước đạt 43,3 triệu đồng/người/năm, cao thứ hai trong cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ).

Bê tông hóa nhiều đường giao thông nông thôn. (Ảnh: M.P)

Vẫn còn nhiều tồn tại

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSH vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phụ trong giai đoạn tới.

Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, vùng ĐBSH chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, đây còn là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đặc biệt là lưu vực sông sông Nhuệ - Đáy), ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ

Tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thực sự bền vững, trong đó, các vụ trọng án phức tạp có xu hướng gia tăng và chưa được kiềm chế triệt để, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, cũng như kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của việc giữ đất trồng lúa, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp tăng rất chậm, do đó, bị sa vào bẫy thu nhập trung bình, làm cho thu nhập bình quân của người dân nông thôn mặc dù hàng năm vẫn tăng, nhưng tăng chậm; chất lượng cuộc sống của người dân có tăng lên, nhưng chưa có sự đột phá.

Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến xây dựng nông thôn (đặc biệt là nguồn lực nội tại của địa phương, của người dân) nên kết quả còn khiêm tốn (như thành phố Hải Phòng có nguồn lực và điều kiện thuận lợi, song đến nay là địa phương duy nhất của vùng ĐBSH chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mới có 21 64,03% số xã đạt chuẩn).

Trong khi đó, một số địa phương có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.

Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: T.D)

Phát huy mạnh hơn vai trò chủ thể của nhân dân

Để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa bàn.

Song song với việc xây dựng mô hình điểm, phải có hệ thống chính sách đủ mạnh để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, đồng thời, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Vai trò của cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng, nhất là trong công tác luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Việc phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định chính đến tính bền vững của kết quả xây dựng nông thôn mới. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới, phải phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành; đồng thời, nếu nhịp nhàng trong công tác điều phối chung, sẽ tạo sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, việc phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền các cấp đã tạo ra sức sáng tạo ở mỗi địa phương, trong đó, vai trò chỉ đạo, vào cuộc của chính quyền cấp huyện có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng nông thôn mới không chỉ máy móc thực hiện theo quy định và hướng dẫn chung, mà cần có sự linh hoạt, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Chính sự sáng tạo của mỗi địa phương là nền tảng quan trọng để Trung ương đúc kết, ban hành cơ chế, chính sách chung triển khai trên địa bàn cả nước.

Ngoài ra, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của nhân dân,....); đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp là một giải pháp quan trọng tạo nên thành công. Chính việc có bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp mạnh dạn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đủ mạnh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực