Xúc tiến xuất khẩu cần tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực

Thứ ba, 24/04/2018 23:01
(ĐCSVN) – Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội.
Diễn đàn thu hút đông đảo chuyên gia và doanh nghiệp. (Ảnh: K.D)

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, công tác xúc tiến xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực, cùng định hướng xúc tiến xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Theo ông Hải, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại.

“Cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết. Tăng cường cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nước”, ông Hải nói.

Cũng tại diễn đàn, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, xúc tiến xuất khẩu nếu cứ tập trung vào sản phẩm lúa, cá, tôm... đang chiếm đến 70% sản lượng xuất khẩu của Cần Thơ sẽ rất khó phát triển. Trong khi đó, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản hiện nay, yếu tố giá quyết định rất lớn.

Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại là vấn đề cần được quan tâm và đầu tư. Tại Cần Thơ, hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay mới chỉ chiếm 0,016% kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh, nếu không có sự chia sẻ trong hoạt động này sẽ rất khó triển khai.

Ông Nam cũng cho rằng, mặc dù tỉnh muốn hỗ trợ hạ tầng logistics cho thương mại, nhưng hiện nay không có cơ chế nào để thực hiện điều này. Trong khi điều mà Cần Thơ đang rất cần là quy hoạch trung tâm logistics vùng.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hàng hóa xuất khẩu phải được đi thẳng, chi phí vận chuyển giảm được ít nhất 10 USD/tấn. Hiện nay, Cần Thơ đang "tắc" về logistics, khi Chính phủ cho biết đã quy hoạch cảng của tỉnh, nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa triển khai được. Nên xây dựng trung tâm logistics của cả vùng ĐBSCL chứ không phải chỉ riêng Cần Thơ”, ông Nam kiến nghị.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật; phát huy cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài…/.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực