Xử lý tố cáo đối với cán bộ về hưu: Không phải cứ hạ cánh là an toàn !

Thứ sáu, 16/06/2017 16:22
(ĐCSVN) - Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trao đổi với báo chí, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, cán bộ đã về hưu nếu người dân tố cáo sai phạm xảy ra trong thời gian công tác trước đây thì vẫn phải xử lý, không có chuyện “hạ cánh xuống là an toàn”.

PV: Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử. Cho nên, cần bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử…?

ĐB Phan Việt Cường: Đúng là còn nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trình bày nội dung tố cáo.

Tôi thấy nếu bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại… không khả thi. Bởi có nhiều người mạo danh, lợi dụng để tạo ra những email, chat điện tử để gửi đơn tố cáo gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi tiến hành thẩm tra, xác minh. Trong trường hợp nhận thông tin thì đây là cơ sở để thanh tra đột xuất hoặc thường xuyên trong chương trình kế hoạch thanh tra.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường. (Ảnh: TN).

PV: Dự thảo Luật lần này chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình?

ĐB Phan Việt Cường: Đơn nặc danh thì không giải quyết. Anh đã tố cáo, tức là anh đã có trách nhiệm góp ý với chính quyền hoặc anh khẳng định hoặc anh nghi vấn cán bộ, công chức làm trái quy định của Nhà nước. Là một người công dân, anh có quyền tố cáo, anh phải xác định được thông tin cung cấp, dù chuẩn xác hay không chuẩn xác nhưng phải có chính kiến của mình.

Tuy nhiên, từ thực tế làm Chánh Thanh tra tỉnh qua nhiều năm, tôi thấy, đơn tố cáo nặc danh là những thông tin để cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu có thể đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo định kỳ hoặc đột xuất. Từ đó, giúp chúng ta củng cố chính quyền, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm.

Nếu luật quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì sắp tới các cơ quan thanh tra không thể nào giải quyết được, không lực lượng nào có đủ để giải quyết được và đơn thư tố cáo sẽ tràn lan.

PV: Thực tế cho thấy, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật vì sợ bị trả thù, bị trù dập. Theo ông, những quy định mới trong dự thảo Luật Bảo vệ người tố cáo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa, thưa ông?

ĐB Phan Việt Cường: Tôi cho rằng dự thảo Luật cơ bản đã đề ra được những giải pháp, nhưng cần phải bàn để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ người tố cáo. Tôi nghĩ, hơn ai hết, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thường xuyên theo dõi, nếu có trường hợp người tố cáo bị trả thù thì phải xử lý nghiêm minh.

Tuy  nhiên, tôi muốn nói thêm rằng, không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn phải có cơ chế để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo. Thực tế, có nhiều cán bộ thanh tra đi giải quyết tố cáo đã bị hành dung, đe dọa… Cho nên, dự thảo luật cần bổ sung các quy định để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo.

PV: Một điểm mới của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) là đã bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

ĐB Phan Việt Cường:  Tôi cho rằng về hưu cũng phải xử lý. Trong công tác kiểm tra Đảng, khi cán bộ đương chức có những việc làm, ra những quyết định sai, khi nghỉ hưu, Đảng vẫn xử lý. Gắn với Đảng, chính quyền cũng vậy. Khi phát hiện ra những điều làm sai, vi phạm pháp luật, người dân tố cáo thì vẫn xử lý, chứ không phải “hạ cánh xuống là an toàn”.

PV: Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, Công chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy Nhà nước?

ĐB Phan Việt Cường:  Trước hết, dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc. Nếu Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì sau này Chính phủ sẽ xây dựng nghị định, đồng thời sửa đổi các quy định khác về chế độ, trách nhiệm đối với người về hưu.

 Vẫn phải xem xét tố cáo nặc danh nếu có cơ sở

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tôi  cho rằng, tố cáo nặc danh cần phân biệt thành 2 loại: Loại thứ nhất: tố cáo nặc danh là đúng và loại tố cáo sai.

Vậy dựa trên cơ sở nào xác định tố cáo đúng và sai?. Chúng ta phải có phân định rạch ròi và tiêu chí cụ thể. Nếu đơn tố cáo nặc danh chỉ rõ địa chỉ, chủ thể, con người, kèm theo vật chứng, tài liệu, chứng cứ cần đưa vào phân loại, xem xét kết luận.

Còn đối với các tố cáo nặc danh không có cơ sở, “vu vơ, chông chênh”, không có cơ sở chứng minh, thì chúng ta không đủ lực lượng xem xét, chưa nói đến có những  tố cáo nặc danh làm nhiễu vấn đề như trước kỳ bầu cử, bổ nhiệm, mang động cơ cá nhân thì  phải cương quyết loại bỏ.

Như vậy, người đứng ra xem xét, phân loại tố cáo nặc danh phải  là người có đủ trình độ, công tâm, khách quan.

Tôi cho rằng quá trình phân loại, người đứng đầu phải có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng, sau này giả sử có một cơ quan nào phát hiện ra đơn tố cáo nặc danh đúng, kiểm tra lại tố cáo này đã gửi đến cơ quan có trách nhiệm mà không được xem xét thì phải xem xét trách nhiệm người giải quyết đơn tố cáo nặc danh.

Tôi cho rằng tố cáo qua hình thức gì không quan trọng qua fax, mail, văn bản, trực tiếp …miễn là đáp ứng tiêu chí là chỉ rõ địa chỉ và đầy đủ cơ sở thì phải xem xét.


 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực