Xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, qua tố tụng dân sự có khả thi?

Thứ sáu, 10/08/2018 19:19
(ĐCSVN) – Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua ý kiến các đại biểu và UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên giữ lại 2 phương án là: Giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự ra tòa và thu thuế.

Chiều ngày 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).  

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57 ), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 02 phương án.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị lựa chọn phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án; bổ sung quy định để giải thích khái niệm “giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” tại khoản 9 Điều 3 của dự thảo Luật.


Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TH.


Theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành; góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên thì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Đồng thời, ưu điểm nữa của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. 

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, theo Phương án 1 quy định: “Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước”, như vậy chưa ra tòa đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước có hợp lý không?. Dựa trên cơ sở nào?. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bỏ “thuộc sở hữu Nhà nước” thay bằng “việc lập sở hữu do Toà án xác lập” .

Theo Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: Phương án giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự ra Toà có ưu thế  thể hiện tính công khai, minh bạch, bảo đảm được quyền lợi của các bên. Song, ông tỏ ra băn khoăn về tính khả thi, bởi hiện nay chưa cơ quan quản lý tài sản độc lập và “e rằng sẽ có không có vụ nào đưa ra tòa để xem xét”. 

Mặt khác, ông Nguyễn Thái Học cho rằng, nếu lựa chọn phương án đánh thuế thì đồng nghĩa thừa nhận tài sản không giải trình được là hợp pháp, như vậy người dân không đồng tình. 

“Nên chọn phương án xử phạt vi phạm hành chính, thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp vừa xử phạt được 45% tài sản không hợp pháp”, ông Học nói .

Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu vấn đề: Hiện chưa có quy định nào về tài sản hợp lý và mức bao nhiêu là hợp lý dẫn đến người kê khai và kiểm soát tài sản không thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao ý chí của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có quyết tâm rất cao, luôn luôn suy nghĩ trình bày cái mới. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, luật pháp và những vấn đề liên quan đến PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì phải chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra, thực tế các nước, vấn đề PCTN của người ta rất tích cực, có công cụ rất quan trọng là công cụ thuế và quản lý rất chặt chẽ. Tất cả khoản thu nhập của công dân đều được kê khai rất đầy đủ. Việc hình thành tài sản được thông qua hệ thống kê khai của các công dân. Cho nên về thu nhập, luật cũng không phân biệt là thu nhập đó là thu nhập hợp pháp hay bất hợp pháp. Cứ là thu nhập là phải nộp thuế. Còn trốn thuế thì có hành vi xử phạt, nặng thì có thể có khung hình sự.

“Chúng ta cần củng cố lại hệ thống thuế. Cơ quan thuế kiểm soát, thậm chí có bộ phận điều tra về thuế và chuyên sâu về vấn đề thuế thu nhập, tất cả công dân, không phân biệt người dân, công chức, viên chức đều phải kê khai thuế thu nhập.  Thực hiện kiểm soát qua việc thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch nêu quan điểm không đồng tình với các phương án vì cho rằng tất cả chưa hợp lý. “Thế nào là thu nhập hợp lý,  không có căn cứ gì cả”, Phó Chủ tịch đặt vấn đề 

“Phương án của tôi là cứ có thu nhập thì thu thuế, kê khai. Thế còn hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%”, Phó Chủ tịch đề nghị.

Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, phương án thu thuế là khả thi hơn. Đồng tình việc đưa ra Toà thì rất văn minh, tuy nhiên theo bà Hải rất khó khăn vì phải xuất trình nhiều giấy tờ, chứng cứ . 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là dự thảo Luật quan trọng, được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp, dự kiến kỳ họp thứ 6 thông qua  để giải quyết bất cập luật PCTN hiện hành, đáp ứng yêu cầu cụ thể hoá, thể chế hoá Nghị quyết Trung ương về PCTN, để từng bước hội nhập công ước quốc tế về PCTN , giải quyết yêu cầu và tình thế đặt ra.

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua ý kiến các đại biểu và UBTVQH, Phó Chủ tịch đề nghị nên giữ lại 2 phương án là: Giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự ra tòa và thu thuế. 

“Dù phương án nào trong luật này cần khẳng định thống nhất tài sản do tham nhũng mà có, có nguồn gốc từ tham nhũng thì phải tịch thu 100%. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi các cơ quan tiếp thu, thống nhất ý kiến báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị để đáp ứng yêu cầu PCTN, song cũng bảo đảm tình hình kinh kế - xã hội và phù hợp yêu cầu đặt ra./.

 

Điều 57 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định 2 phương án:

Phương án 1:

1. Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định.

2. Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây:

a) Nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự;

b) Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc không công nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm… 

Phương án 2: 

1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm:

a) Chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có;

b) Chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có;

c) Nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế…

2. Người nộp thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện Quyết định của cơ quan quản lý thuế ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.


 

 


Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực