Việt Nam nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới

Thứ ba, 12/06/2018 20:32
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, hội nhập toàn cầu, việc trở thành quốc gia đạt được các tiêu chí tiến bộ về bình đẳng giới đối với Việt Nam là quan trọng và cần thiết.

Đồng chí Trương Thị Mai tiếp Nhóm điều phối chính sách giới của các đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam

do bà Đại sứ Vương quốc Hà Lan Nienke Trooster làm Trưởng đoàn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chiều 12/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã tiếp, làm việc với Nhóm Điều phối chính sách giới của các Đại sứ và đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sự quan tâm cũng như những đóng góp của các Đại sứ, Trưởng đại diện tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước. Đồng chí Trương Thị Mai cho biết: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019. Việc sửa đổi Bộ luật lần này cần đảm bảo thể chế hóa các tư tưởng hiến định trong Hiến pháp 2013 và bảo đảm quyền lao động, bình đẳng giới cũng như an sinh xã hội, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, hội nhập toàn cầu, việc trở thành quốc gia đạt được các tiêu chí tiến bộ về bình đẳng giới đối với Việt Nam là quan trọng và cần thiết. Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đang biến động theo hướng tích cực. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Quá trình thực thi các chính sách tuy còn nhiều hạn chế nhưng có những chính sách đã thực sự tác động tốt, góp phần thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động, các cơ quan nhà nước và xã hội về việc tạo cơ hội bình đẳng tốt hơn cho lao động nữ; thúc đẩy bình đẳng giới theo hướng phù hợp, hài hòa với nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong chính sách về bảo hiểm xã hội, thai sản, chăm sóc con… phụ nữ tại Việt Nam đang được hưởng lợi hơn nam giới.

Ông Kamal Malhotra, đồng chủ trì Nhóm Điều phối, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được tìm hiểu quan điểm của Việt Nam và một số thông tin về thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam, cụ thể về các vấn đề: Tăng cường quyền năng cho phụ nữ, bình đẳng giới và lao động nữ trong bối cảnh hiện nay; sự hài hòa giữa tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới, nhìn nhận bình đẳng trong việc đánh giá sức khỏe lao động giữa phụ nữ và nam giới; tăng cường các quy định về quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới ở nơi làm việc.

"Cần xóa bỏ khuôn mẫu cho rằng phụ nữ có thể chất yếu hơn nam giới trong một số điều luật hiện nay của Bộ luật Lao động. Khuyến khích việc xóa bỏ những điều luật tạo nên sự phân tách giữa hai giới, ông Kalma Malhotra tin tưởng việc xóa bỏ định kiến về giới sẽ tạo điều kiện giúp phụ nữ thể hiện hết tiềm năng, từ đó phát huy chất lượng nguồn lao động một cách tốt nhất, góp phần tiết kiệm chi phí trong quá trình thay đổi lao động và giảm thiểu tình trạng thiếu lao động đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện Nhóm Điều phối cũng mong muốn Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục duy trì các quy định về nghỉ thai sản thời kỳ chăm sóc,cho con bú và công nhân nghỉ thai sản; điều chỉnh các định nghĩa trong Bộ luật Lao động sửa đổi theo hướng hoàn chỉnh hơn về nội dung", ông Kamal Malhotra nói./.

Hiền Hạnh (TTXVN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực