Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước coi vấn đề di cư là một hiện tượng toàn cầu mang tính tích cực

Thứ sáu, 12/01/2018 19:38
(ĐCSVN) – Ngày 11/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước coi vấn đề di cư như là một hiện tượng toàn cầu mang tính tích cực, đồng thời hạn chế dựng nên những rào cản đối với các trường hợp di cư hợp pháp.

 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: The Indian Express)


Trong một báo cáo đưa ra tại một cuộc họp không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Guterres nói: “Hãy để tôi nhấn mạnh rằng: di cư là một hiện tượng toàn cầu mang tính tích cực. Hiện tượng này truyền động lực cho tăng trưởng kinh tế, giảm sự bất bình đẳng, kết nối những xã hội khác nhau và giúp chúng ta làm chủ được những biến động về nhân khẩu học từ sự gia tăng hay suy giảm dân số”.

 

Hiện người di cư đang trở thành một nguồn lực đóng góp chính cho sự phát triển quốc tế - cả bằng việc làm và thông qua các hoạt động gửi tiền về quê hương. Theo số liệu thống kê do người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra thì hiện các hoạt động gửi tiền về quê hương của người di cư đã tăng lên mức 600 tỷ USD trong năm 2017, cao gấp 3 lần tất cả các chương trình viện trợ phát triển.

 

Chính vì thế, ông Guterres cho rằng, các quốc gia cần tăng cường quy định pháp lý liên quan tới việc quản lý và bảo vệ người di cư – vì các lợi ích kinh tế, xã hội của nước tiếp nhận và bản thân người di cư.

 

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại trước những hành vi khuyến khích một cách không có chủ đích tình trạng di cư trái phép. Theo ông Guterres thì điều này sẽ không chỉ đẩy người di cư vào một tình huống “dễ bị tổn thương” mà còn tác động đến cả quyền hành động của chính phủ các nước.

 

Từ đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, cách thức tốt nhất để chấm dứt tình trạng di cư bất hợp pháp và lạm dụng các hoạt động di cư là chính phủ các nước cần tăng cường các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. “Đa phần người di cư sống và làm việc hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khác lại sống chui lủi, không được bảo vệ bởi luật pháp và không thể cống hiến đầy đủ cho xã hội. Và một trường hợp ít những người di cư liều lĩnh đã đặt mạng sống của họ vào rủi ro khi bước vào những nước mà ở đó họ phải đối mặt với sự hoài nghi và nguy cơ bị lạm dụng” – ông Guterres nói.

 

Người di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp - Macedona. (Ảnh: Spiegel Online) 
 

Xét trên phạm vi toàn cầu, thì vấn đề di cư vẫn đang được giải quyết một cách chưa thuyết phục. Điều này sẽ để lại những tác động thậm chí có thể được xem là các cuộc khủng hoảng nhân đạo và để lại những ảnh hưởng đến nhận thức của một số người khi nhìn nhận một cách sai lầm rằng vấn đề di cư đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

 

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các nước thành viên cần tham gia một cách cởi mở và tích cực vào các tiến trình đàm phán đang còn nằm ở phía trước. Ngoài ra, ông Guterres cũng xem việc theo đuổi những nỗ lực thích ứng với các tác động của vấn đề người di cư là một trong những ưu tiên tập thể quan trọng nhất trong năm 2018.

 

Thông điệp trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 12/2017 đã quyết định chấm dứt vai trò tham vào các tiến trình đàm phán về tác động toàn cầu của di cư. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, sáng kiến này của Liên hợp quốc đi ngược lại các chính sách của Mỹ về người nhập cư và người tị nạn, cũng như các nguyên tắc về nhập cư mà chính quyền Mỹ đang áp dụng. Hiện Mỹ đang là nước tiếp nhận người di cư lớn nhất trên thế giới và quyết định trên của ông D.Trump được cho là sẽ tác động không nhỏ tới các sáng kiến di cư toàn cầu.

 

Ngay trong ngày 11/1, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã hoan nghênh các nội dung do ông Guterres đưa ra liên quan tới vấn đề di cư và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để chặn đứng tình trạng tử vong, bị tước đoạt niềm tin và lạm dụng dọc các tuyến đường di cư. Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch IFRC Francesco Rocca cũng bày tỏ sự vui mừng khi bản báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhấn mạnh đến sự an toàn và phẩm giá của mọi người di cư.

 

“Chúng tôi hy vọng rằng các chính phủ sẽ phê chuẩn Hiệp ước Tác động toàn cầu về di cư  - vốn sẽ mang lại những kết quả thực tế, được giới hạn thời gian và mang tính nhân đạo cho tất cả người di cư, cho dù ở địa vị nào” – ông Rocca nói. Chủ tịch IFRC nhấn mạnh thêm rằng, tình trạng bạo lực, lạm dụng và tử vong mà con người phải đối mặt trên hành trình di cư là có thể ngăn chặn được và người di cư cũng có những quyền như bất kỳ người nào khác./.

Thu Lan (Theo Xinhua, Bernama)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực