Tổng thống Mỹ kiên quyết bảo vệ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Thứ hai, 18/02/2019 14:41
(ĐCSVN) – Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông nếu Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico mà ông đã đưa ra vào ngày 15/2.

Tổng thống Mỹ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia


Cố vấn Cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller.
(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images file)

Đây là thông tin được Cố vấn Cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller đưa ra trong cuộc gặp gỡ với phóng viên bình luận tin tức Chris Wallace của chương trình “Fox New Sunday”, ngày 17/2.

Cũng trong lời phát biểu cùng ngày, ông Miller – vốn được biết đến là một người theo đuổi lập trường cứng rắn về chính sách nhập cư của Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống D.Trump có thể sẽ xây dựng bức tường biên giới dài 200 dặm với Mexico vào tháng 9/2020, tức là chỉ 2 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo tại Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Miller cũng lên tiếng bảo vệ hành động gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ D.Trump xung quanh việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để bảo vệ các khoản quỹ xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Đáng chú ý là quan điểm này được ông Miller đưa ra không lâu sau khi Tổng thống D.Trump, ngày 15/2 cũng đã lường trước kịch bản rằng, việc ông sử dụng quyền lực khẩn cấp này có thể sẽ không vượt qua sự cản trở từ các tòa án cấp thấp hơn ở Mỹ.

Hiện nhập cư đang trở thành một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người ủng hộ Tổng thống D.Trump và được dự báo sẽ trở thành một “quân át chủ bài” trong chiến dịch tái tranh cử của ông D.Trump vào năm tới. Tuy nhiên, cũng có nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa đang tỏ ra thất vọng khi Tổng thống đã phải viện dẫn Đạo luật Khẩn cấp quốc gia năm 1976, sau chuỗi 35 ngày dài kỷ lục chính phủ bị đóng cửa từng phần do những tranh cãi xoay quanh kế hoạch xây dựng bức tường biên giới.

Ngày 14/2, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua bản kế hoạch chi tiêu nhằm ngăn chặn kịch bản chính phủ bị đóng cửa trở lại. Bản kế hoạch chi tiêu này gồm cả khoản tiền 1,376 tỷ USD để trang trải cho các hoạt động bảo đảm an ninh biên giới, song lại không nhắc đến khoản kinh phí 5,7 tỷ cần thiết để xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico theo như đề xuất của ông D.Trump. Chính vì thế, việc người đứng đầu Nhà Trắng vào cuối tuần trước tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đã thể hiện quyết tâm biến cam kết xây dựng bức tường biên giới với Mexico thành hiện thực, cho dù thừa nhận rằng hành động “vượt ải” Quốc hội này có thể sẽ mang lại cho ông nhiều rắc rối.

Năm 1976, Quốc hội Mỹ thông qua văn bản có tên gọi “Đạo luật Khẩn cấp quốc gia”, cho phép Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi cần thiết. Quyền lực này cho phép Tổng thống bỏ qua các tiến trình chính trị thông thường, tạo ra sự “linh hoạt cần thiết” để có thể thực thi nhiệm vụ hành pháp nhanh chóng trong bối cảnh khủng hoảng hoặc an ninh quốc gia bị đe dọa.

Đạo luật Khẩn cấp quốc gia năm 1976 nói về 59 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, song lại không đề cập tới tình huống Tổng thống tìm kiếm một khoản quỹ bị từ chối bởi Quốc hội. Một kịch bản đặt ra trước mắt là Hạ viện và Thượng viện Mỹ có thể thông qua một bản nghị quyết bác bỏ tuyên bố của Tổng thống. Tuy nhiên, tiến trình này được cho là sẽ khiến đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện phải đối mặt với những sức ép về chính trị. Đề cập tới vấn đề này, ông Miller khẳng định, nếu lưỡng viện Quốc hội thông qua bản nghị quyết bác bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thì ông D.Trump sẽ sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 45 của mình để bảo vệ tuyên bố đã đưa ra.

Cụ thể, ông Miller cho biết, Tổng thống D.Trump đang viện dẫn Đạo luật Khẩn cấp quốc gia năm 1976 để có thể tái phân bổ tiền từ các nguồn khác – bao gồm từ ngân sách xây dựng Lầu Năm góc, để có được số tiền xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 15/2/2019. (Ảnh: Evan Vucci/AP Photo)

Tuy nhiên, đã 2 ngày trôi qua kể từ sau khi Tổng thống D.Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, dư luận Mỹ vẫn còn tranh cãi về vấn đề này. Đối lập với những ý kiến ủng hộ là những người đưa ra quan điểm ngược lại, gồm cả các thành viên trong đảng Dân chủ.

Phát biểu với hãng tin CNN, Nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cảnh báo rằng, nếu Quốc hội lùi bước trước quyết tâm của Tổng thống Mỹ, thì những biện pháp kiểm tra sẽ bị giảm nhẹ và cũng không còn lại “sự cân bằng”.

Các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida và Susan Collins của bang Maine đã lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ngày 17/2, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tammy Duckworth của bang Illinois còn tỏ ra tin tưởng vào khả năng lưỡng viện Quốc hội sẽ thông qua một bản nghị quyết bác bỏ tuyên bố của Tổng thống.

Tuy nhiên, Nghị sỹ đảng Cộng hòa Jim Jordan của bang Ohio lại bày tỏ quan điểm ủng hộ tuyên bố của ông D.Trump và cho biết, Tổng thống đã có đủ sự ủng hộ để bảo đảm rằng quyền phủ quyết của ông sẽ không bị bác bỏ. “Vì thế, mọi vấn đề sẽ được giải quyết trước tòa… Chúng ta sẽ phải chờ đợi và nghe ngóng”- ông Jordan nói./.

Thu Lan (Theo nbcnews.com, theguardian.com, nypost.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực