Thủ tướng Anh bác bỏ khả năng trưng cầu dân ý lại về Brexit

Thứ sáu, 12/01/2018 11:16
(ĐCSVN) – Ngày 11/1, Thủ tướng Anh Theresa May bác bỏ khả năng tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) trong một phản ứng rõ ràng trước những lời kêu gọi ngày càng gia tăng liên quan tới vấn đề này.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: telegraph.co.uk)


Cùng ngày, báo chí nước ngoài dẫn lời một phát ngôn viên của bà May tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ 2”.

Trước đó, lãnh đạo của chiến dịch Brexit – ông Nigel Farage đã đề cập tới khả năng Anh nên tiến hành trưng cầu dân ý lại về quy chế thành viên trong EU vì tin tưởng rằng, sự kiện này sẽ giữ nguyên kết quả về Brexit (thậm chí còn với tỷ lệ ủng hộ cao hơn) và chấm dứt được làn sóng tranh cãi trong nội bộ nước Anh. Bên cạnh đó, ông Farage  - người từng giữ vị trí Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) và hiện đang là thành viên trong Nghị viện châu Âu (MEP) cho rằng, các nhà lãnh đạo thân châu Âu như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair “sẽ không bao giờ từ bỏ” lập trường đang theo đuổi.

Tuần trước, ông Blair đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Lao động ủng hộ lời kêu gọi của ông nhằm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit trước lập luận rằng, vấn đề của các cử tri bình thường sẽ không thể được giải quyết bởi Brexit. Trả lời phỏng vấn báo chí, cựu Thủ tướng Anh kêu gọi các cử tri nước này suy nghĩ lại trong bối cảnh tình huống đã thay đổi. Bên cạnh đó, ông Blair cũng cảnh báo rằng, các vòng đàm phán thương mại sắp tới sẽ làm bộc lộ điều mà ông cho là một “tình thế tiến thoái lưỡng nan” mà nước Anh đang phải đối mặt.

Trong khi đó, các thành viên trong đảng Dân chủ Tự do – một trong ba chính đảng lớn tại Anh và một số chính trị gia theo đường lối thân EU cũng kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit. Những người này cho rằng, người dân Anh đã không lường trước được hậu quả của việc rời khỏi ngôi nhà chung khi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016 và hiện dư luận cũng đã thay đổi quan điểm về vấn đề này.

Đã gần 2 năm trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016, song cho tới nay, người dân Anh vẫn chia rẽ về việc rời khỏi EU, thậm chí cựu Thủ tướng Tony Blair còn cho rằng quyết định này cần được đảo ngược. Hiện một số nhà làm luật Anh còn đang kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu lần hai về những điều khoản trong thỏa thuận Brexit.

Một nghiên cứu của Hội đồng Thị trưởng London cho thấy, Brexit sẽ khiến Anh mất khoảng 500.000 việc làm và thiệt hại gần 68 triệu USD tiền đầu tư tính tới năm 2030. Trong khi đó, một công trình nghiên cứu toán kinh tế khác được công bố ngày 11/1 cũng cho thấy, sẽ có khoảng 482.000 việc và 62,9 tỷ USD tiền đầu tư vào Anh bị cắt giảm trong vòng 12 năm tới do Brexit.

Cách đây ít lâu, EU đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm 2018 và cho rằng, tình trạng này sẽ tiếp diễn trong năm 2019 do tác động của Brexit đối với nền kinh tế nước này./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực