Thu hồi gần 868 tỷ đồng dự toán phân bổ không đúng quy định

Thứ năm, 17/08/2017 14:44
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị thu hồi 867,942 tỷ đồng của 05 bộ, ngành trung ương và 02 địa phương phân bổ không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng.

Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Kiến nghị thu hồi 867,942 tỷ đồng

Trong Tờ trình, Chính phủ đề nghị thu hồi 867,942 tỷ đồng của 05 bộ, ngành trung ương và 02 địa phương phân bổ không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, đối với vốn trong nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho việc xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao và Dự án đầu tư phát triển và mở rộng Nhà máy in tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước. Đề nghị này được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí.

Đối với vốn ngoài nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án Ô (là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án).

Trong đó, đối với Dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc của Bộ đội Biên phòng (397,422 tỷ đồng) sử dụng vốn ODA vay của Ấn độ, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là dự án chưa đủ thủ tục đầu tư nhưng vẫn được bố trí vốn. Vì vậy nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc thu hồi khoản vốn này vì không đủ điều kiện bố trí vốn theo Luật định.

Đối với Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (202,421 tỷ đồng), Ủy ban  Tài chính ngân sách (TCNS) cho rằng, thực hiện cơ chế giao kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công, đối với các dự án Ô có cơ cấu hỗn hợp; dự án thành phần ở trung ương do bộ, ngành trung ương xây dựng kế hoạch và dự án thành phần ở địa phương do địa phương xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình lập kế hoạch vốn năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập cả phần vốn của địa phương là chưa đúng theo quy định của pháp luật, do đó, tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc phải có sự điều chỉnh.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí thu hồi 87 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực và 1,1 tỷ đồng của tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu (ODA Thụy Sỹ).

Về đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí đề xuất bố trí vốn trong nước 179,985 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Ban cơ yếu Chính phủ, vì đây đều là các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trong năm 2017, phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Đối với vốn ngoài nước 687,957 tỷ đồng, Chính phủ đề xuất bổ sung 453,235 tỷ đồng cho các địa phương triển khai các dự án Ô thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đa số các ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí bố trí vốn của Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán của địa phương được điều chuyển về cho những địa phương chưa lập dự toán như Chính phủ trình.

Đối với việc bố trí vốn cho dự án của các địa phương có Hiệp định kết thúc vào năm 2017 nhưng chưa được bố trí đủ vốn như cam kết với nhà tài trợ, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với việc bố trí vốn thực hiện các dự án của tỉnh Long An, An Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên do các địa phương này đều là những địa phương nghèo, nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương và các dự án này dự kiến kết thúc vào năm 2017 theo cam kết với nhà tài trợ nhưng thiếu vốn thực hiện.

Đối với việc bổ sung 103,83 tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh, đa số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng đây cũng là những dự án cấp bách, thời hạn kết thúc vào cuối năm 2017 nên cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập cho TP Hồ Chí Minh theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây là phần vốn thuộc Trung ương quản lý nên không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn xây dựng cơ bản ngân sách địa phương của Thành phố.

Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, TP Hồ Chí Minh là địa phương có điều kiện phát triển nhất về kinh tế - xã hội. Mặt khác, Chính phủ đang trình phương án đầu tư trở lại cho TP Hồ Chí Minh 500 tỷ đồng từ nguồn kinh phí còn lại của NSNN năm 2016. Do vậy, đề nghị cân nhắc nên bố trí 103,83 tỷ đồng cho các dự án cấp bách của các địa phương khác.

Bộ KH&ĐT còn nể nang, chưa cương quyết

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư chưa thật sát; rà soát, thẩm định dự toán vốn đầu tư chưa kỹ lưỡng trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN năm 2017.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Chính phủ đã nghiêm túc khi thấy hạng mục không đúng thì đề nghị thu hồi, điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích một số vấn đề trong phân bổ vốn ngân sách trung ương. Đó là có nơi tiền cấp năm trước dùng chưa hết, vẫn cấp tiếp năm sau; có nơi chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng vẫn được bố trí vốn, có nơi bố trí vốn vượt tổng mức đầu tư trong khi nhiều nơi đang rất cần vốn thì lại không được bố trí. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nguyên tắc điều chỉnh là phải cho các chương trình, dự án nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn; chương trình, dự án thực sự cần thiết, cấp bách. Đồng thời lưu ý: “Hiện đang có nhu cầu xây dựng cơ sở Viện Kiểm sát nhân dân, chương trình xây dựng nhà ở cho người có công. Ngoài ra, mưa lũ cuốn trôi đường xá, trường học, nhà cửa các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy có lấy tiền thu hồi này hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc không? Phải thể hiện quan điểm rõ ràng”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, thu hồi vốn trong nước chỉ có 179 tỷ đồng mà chủ yếu là thu hồi vốn ngoài nước. Do vậy, điều chỉnh vốn ngoài nước phải bám sát nguyên tắc là đúng tinh thần của hiệp định vay do Chính phủ hai nước ký kết.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận: “Về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT thì đúng là trong công tác rà soát và tổng hợp thì chúng tôi làm thực sự còn nể nang, nhiều khi không thật cương quyết với những dự án không đủ thủ tục, tiêu chí nhưng do các bộ, ngành, địa phương cam kết như vậy nhưng thực tế lại không thực hiện được. Chúng tôi hướng dẫn cũng chưa thật sự đầy đủ, rõ ràng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, "số tiền đề nghị thu hồi thực chất không phải là số đã giao hay giao sai nên phải thu hồi mà là con số dự kiến sẽ giao nhưng không đủ thủ tục nên không giao được".

Phát biểu kết thúc nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH đánh giá cao sự thẳng thắn, nghiêm túc và quyết tâm của Chính phủ khi quyết định thu hồi về ngân sách Trung ương 867,942 tỉ đồng của các bộ, ngành và địa phương do phân bổ không đúng và không có nhu cầu sử dụng.

UBTVQH nhất trí đề xuất số tiền thu hồi nhưng đề nghị tính toán khi các dự án này đi vào hoạt động thì có nguồn lực đảm bảo cho các dự án.

UBTVQH cũng đồng ý điều chuyển kế hoạch vốn trên nguyên tắc: các dự án điều chuyển phải nằm trong kế hoạch trung hạn; phải là dự án cấp bách về quốc phòng, an ninh; phải hoàn thành trong năm 2017.

UBTVQH chỉ đồng ý bố trí vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng; và bố trí vốn của Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán của địa phương được điều chuyển về cho những địa phương chưa lập dự toán nhưng phải làm đầy đủ thủ tục; các dự án còn lại chưa có căn cứ bố trí vốn.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH về việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực