Mở rộng phạm vi điều chỉnh hành vi tham nhũng có khả thi?

Thứ năm, 15/09/2016 16:15
(ĐCSVN) – Ngày 15/9, Hội luật gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hòa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi có thể dẫn đến tính khả thi thấp; cần xác định rõ hơn đối tượng điều chỉnh và cần có cách quy định phù hợp hơn để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch và tính khả thi của Luật.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, muốn giải quyết vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam thì chúng ta phải xây dựng nên bức tường ngăn chặn tốt hơn.

Cho nên, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) tập trung sửa đổi những trụ cột chính. Đó là, đối tượng phạm vi điều chỉnh mở rộng thêm một bước thận trọng, có kiểm soát cả sang khu vực tư. Cụ thể, Dự thảo đã bổ sung thêm đối tượng
Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” “Chủ tịch, Tổng thư ký, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm tra của tổ chức xã hội”.



Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH).

Về đối tượng kê khai, có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Vấn đề sửa đổi rất căn bản ở chương công khai, minh bạch với niềm tin là không có giải pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh hơn nữa mức độ công khai minh bạch trong đời sống xã hội nói chung, trong các cơ quan công quyền tốt hơn.

Dự thảo cũng xây dựng chế độ liêm chính; hoàn thiện hơn về chuyển đổi vị trí công tác; quy định mới về kiểm soát xung đột lợi ích…

Nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định mới về theo dõi biến động về tài sản, thu nhập.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư

Nhất trí với quan điểm cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN sang khu vực tư, tức khu vực ngoài nhà nước, song theo PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Dự thảo Luật PCTN cần phải có các quy định đầy đủ và thích hợp với từng nhóm, thậm chí tiểu nhóm đối tượng; có đủ các biện pháp tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; kiểm soát hiệu quả biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và có cơ chế phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra thì mới có tính khả thi nhằm tạo bước chuyển biến thực chất trong công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Chủ tịch Hội luật gia TP. Hải Phòng Trần Ngọc Vinh thẳng thắn nói: Trước đây đối tượng điều chỉnh của chúng ta “gọn” còn không bao quát nổi, bây giờ mở rộng thì rất khó!. Trong thực tế không phải quy định càng nhiều đối tượng kê khai sẽ đạt được mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng tốt.

“Quan điểm của tôi chỉ tập trung vào đối tượng có chức vụ quyền hạn, nguy cơ tham nhũng cao, để giăng bắt những “con cá lớn”, ông Vinh đề xuất.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung chỉ ra việc bổ sung thêm các đối tượng Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” là không hợp lý, vì chỉ có người liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước mới phải kê khai tài sản, thu nhập, chứ không thể mở rộng hơn.

Một số ý kiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi có thể dẫn đến tính khả thi thấp; cần xác định rõ hơn đối tượng điều chỉnh và cần có các quy định phù hợp hơn để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch và tính khả thi của Luật.

Cần quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng

Dự thảo Luật giữ nguyên đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng là Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, dự thảo bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Điều 88) xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.  

Bàn về quy định này, Th.S Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cần quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng; việc phối hợp xem xét, làm rõ vụ việc tham nhũng như thế nào; nếu chuyển vụ việc tham nhũng là cơ quan nào có trách nhiệm chuyển cho cơ quan nào?.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội luật gia TP. Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, dự thảo Luật giao nhiều cơ quan về PCTN nhưng chưa giao cụ thể một cơ quan nào chỉ đạo, tổ chức, thực hiện trong phạm vi toàn quốc, sẽ dẫn đến hiệu quả thực tế thấp.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực