Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 13/06/2018 14:44
(ĐCSVN) - Theo một số đại biểu, cần có quy định chặt chẽ về cơ chế kiểm soát với các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng để tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực.

Ngày 13/6, Quốc hội dành trọn ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN quy định tại chương 6 của dự thảo là chương mới với một số quy định tiến bộ.

Tuy nhiên, theo Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy ( Đà Nẵng): Với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra: “Tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Quyền luôn gắn với trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm là giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền”.

“Khi Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ phận nào đó thì vị Bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm và các vị ĐBQH có vẻ như hài lòng với câu trả lời này, nhưng rồi hết năm này qua năm khác vẫn chưa thấy vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì cả”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy thẳng thắn nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: QH).

Từ những phân tích trên, theo ĐB Thúy, việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính nhà nước nói chung. Trước mắt cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có.

“Áp đặt trách nhiệm tràn lan, không căn cứ vào hành vi như dự thảo luật chỉ mang đến những kết quả ngược lại, có khi chỉ khuyến khích những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị che dấu tham nhũng”, ĐB nêu quan điểm

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chỉ rõ, trong dự thảo luật lần này đã trao cho cơ quan PCTN quyền năng rất lớn trong các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, thanh tra và xử lý hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Hiển cho rằng các quy định của vấn đề này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ công chức của cơ quan  chuyên trách về phòng chống tham nhũng gần như giữ nguyên như Luật hiện hành là không hợp lý.

Nếu không có quy định kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực ngay tại chính cơ quan phòng chống tham nhũng”, ĐB bày tỏ lo ngại.

“Dự thảo Luật cần có sửa đổi bổ sung các quy định đặc thù tương ứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu và cán bộ công chức trong lĩnh vực này như các quy định đặc thù về tiêu chuẩn về phẩm chất cán bộ, các quy định đặc thù về phòng ngừa xung đột lợi ích; các quy định về ứng xử về những cán bộ công chức không được làm…”, ĐB Hiển đề xuất.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) băn khoăn nếu giao cho Thanh tra Chính phủ tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập thì mối quan hệ với các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội… sẽ như thế nào?

Trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá, ĐB Xuân cho rằng cần nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực