Hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động

Thứ sáu, 14/12/2018 22:16
(ĐCSVN) - Tọa đàm “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động” là cơ hội để doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm, hướng tới việc chăm lo tốt hơn cho người lao động; dùng phúc lợi để thu hút được người lao động đến với doanh nghiệp của mình.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh:MC)

Chiều 14/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Đây là hoạt động nhằm chia sẻ thông tin, lý luận rất cơ bản về vấn đề phúc lợi được người lao động và chủ doanh nghiệp rất quan tâm. Tọa đàm là cơ hội để doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm, hướng tới việc chăm lo tốt hơn cho người lao động; dùng phúc lợi để thu hút được người lao động đến với doanh nghiệp của mình. Đây cũng là dịp để người lao động nói lên tiếng nói về vấn đề thực hiện phúc lợi của các doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, công nghệ cao, đảm bảo đời sống cho người lao động, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn khó khăn nên thực hiện việc chăm lo cho người lao động còn hạn chế. Nhấn mạnh việc cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, ông Ngọ Duy Hiểu hy vọng thông qua Tọa đàm, các đại biểu sẽ dành tâm huyết và sự quan tâm, với kiến thức hiểu biết của mình để cùng chia sẻ, hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động.

Tại Tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thái Nguyên Vũ Thị Liên Minh cho biết, Công ty chủ yếu đầu tư vào các Khu đô thị, dịch vụ nghĩa trang và bất động sản với lịch sử 25 năm. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới người lao động trong suốt thời gian qua. Công ty thường xuyên thực hiện việc đối thoại 2 chiều giữa lãnh đạo Công ty và người lao động. Ngoài các quy định theo luật, Công ty cũng đặc biệt quan tâm tới những đề xuất của người lao động. Các nữ nhân viên ốm, sinh con đều được hưởng trợ cấp; sinh con lần 1 sẽ được nhận 10 triệu đồng, sinh con lần 2 sẽ được trợ cấp 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trao luôn, không phải mất thời gian chờ đợi.

Ngoài ra, Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thái Nguyên cũng có những khoản trợ cấp cho các gia đình mà vợ hoặc chồng chưa có việc làm, với mức hỗ trợ từ 2 tới 3 triệu/gia đình/tháng cho các con đi học. Nếu các cháu đỗ đại học sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng; các lao động phải đi chữa bệnh dài ngày, công ty sẽ chu cấp toàn bộ viện phí. 

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, phúc lợi là quyền lợi về vật chất và tinh thần mà Nhà nước hay cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm cho công nhân, viên chức, người lao động được hưởng. Xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của người lao động và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, du lịch, nghỉ mát, thể dục, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của người lao động...

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, doanh nghiệp thực hiện phúc lợi tốt sẽ khiến người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đề xuất 2 cách đảm bảo phúc lợi cho người lao động gồm: Xây dựng pháp luật đảm bảo phúc lợi, là phương thức chủ yếu và duy nhất trong nền kinh tế kế hoạch tập trung; thông qua đối thoại, thương lượng tập thể để xác lập phúc lợi cho người lao động.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan đề nghị, các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tham gia thương lượng tập thể một cách thiện chí, không phân biệt đối xử, thao túng; thương lượng thực chất và bình đẳng với công đoàn và người lao động để đảm bảo phúc lợi trong các bản thỏa ước có chất lượng.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2016, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, thiết thực nhằm chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh việc chăm lo tốt nhất phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với hơn 1.100 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỷ đồng.../.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực